Thư viện trong lòng bàn tay

Vì vậy, máy đọc sách vẫn có chỗ đứng cho dù thị trường đang có hàng loạt dòng tablet giá rẻ. Sau đây là một số máy đọc sách được nhiều người sắm để thỏa mãn nhu cầu đọc của mình.

Nook Simple Touch with GlowLight

Như đã biết, công nghệ e-ink hiện tại cho chúng ta cảm giác đọc rất thích thú nhờ khả năng hiển thị giống hệt giấy thường, nhưng máy đọc sách có một nhược điểm là không thể đọc khi ánh sáng yếu. Trong khi đó, nhiều người lại có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ nên đây là một trở ngại lớn, khiến họ ngại sắm máy e-ink. Trở ngại ấy đã được dỡ bỏ khi Công ty Barnes & Noble (B&N) đưa ra thị trường máy đọc sách Nook Simple Touch with GlowLight giúp người dùng đọc được ở bất cứ đâu.

Ngoại trừ một chút khác biệt về màu sắc và đường viền bezel, máy do B&N sản xuất vẫn giữ nguyên tất cả thiết kế, nút bấm nhằm tạo sự quen thuộc cho người đã làm quen với máy đọc sách. Nook Simple Touch with GlowLight cũng duy trì màn hình cảm ứng kết hợp với bốn phím chuyển trang ở hai bên máy, giúp người dùng thoải mái lựa chọn cách tương tác. Công nghệ mới GlowLight đã khiến mẫu máy này trở nên khác biệt so với các máy đọc sách khác. Khi ở ngoài sáng, bạn có thể tắt GlowLight đi để có thể trải nghiệm e-ink thuần túy, còn nếu đọc trong chỗ tối thì bạn có thể điều chỉnh mức độ sáng của màn hình bằng thanh trượt, giống như điều chỉnh độ sáng trên iPad và Kindle Fire, chỉ khác là nó không phải màn hình LCD, mà là e-ink. Nhờ đó, ai cũng có thể thấy rất rõ màn hình khi đọc sách trong máy ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, ví dụ trên bãi biển hoặc bên hồ bơi.

Màn hình cảm ứng của Nook Simple Touch with GlowLight rất nhạy nên chỉ cần chạm nhẹ là mọi thao tác đã được thực hiện mà không gây khó chịu như nhiều máy e-ink đã có mặt trên thị trường. Bộ nhớ trong Simple Touch with GlowLight vẫn có dung lượng 2GB (người dùng được dùng 1GB) và có thể mở rộng ra khe cắm thẻ microSD bên hông máy.

Nếu sử dụng đèn đọc sách thì thời gian sử dụng pin của máy bị giảm xuống còn một tháng (mỗi ngày đọc 30 phút) nhưng đó không phải là vấn đề lớn vì chỉ tốn hơn ba giờ để sạc đầy pin. Tuy có thêm tính năng phát sáng nhưng giá của mẫu máy này khá hợp lý, khoảng 3 triệu đồng.

Kindle Touch

Kindle mới với màu xám trắng, kiểu dáng thanh mảnh, kích thước 172x120x10,1 (mm), trọng lượng chỉ 213g, dung lượng bộ nhớ trong 4GB và thời lượng pin lên tới hai tháng đã gây được ấn tượng tốt đối với nhiều người thích dùng máy đọc sách. Thông qua màn hình cảm ứng 6 inch cùng bộ nhớ trong 4GB, người dùng có thể sử dụng để lưu trữ các dữ liệu cá nhân với khối lượng bằng với bộ nhớ của Kindle có bàn phím cứng trước đây. Kindle Touch không hỗ trợ bộ nhớ mở rộng bằng thẻ nhớ và các thiết bị ngoại vi khác.

Màn hình cảm ứng được chia thành ba vùng vô hình. Khi nhấn vào một điểm bất kỳ sát cạnh trên của màn hình, thanh menu sẽ xuất hiện, trong đó có một nút quay lại vị trí trước (back), nút mua sắm (shopping), ô tìm kiếm và một nút trình đơn để truy cập các thiết lập. Đồng thời, một thanh nằm ngang phía dưới cũng xuất hiện để cung cấp các nút thiết lập font chữ, chuyển tới vị trí mong muốn, ví dụ đến cuối sách, đến chương hay trang mà người đọc mong muốn.

Kindle Touch có một tính năng mới khá thú vị là X-Ray, cho phép người đọc chạm vào bất cứ câu văn hoặc từ ngữ nào trong đoạn văn bản đang đọc để có thể tìm thông tin mở rộng liên quan đến thông qua kết nối internet và kho dữ liệu của Wikipedia. Rõ ràng, tính năng đó rất hữu ích đối với người đam mê tìm hiểu rộng hơn xoay quanh vấn đề đang theo dõi trên Kindle Touch. Ngoài ra, Amazon cũng làm mới hệ điều hành để phù hợp với giao diện cảm ứng bằng cách loại bỏ một số chức năng từng xuất hiện trên dòng Kindle cũ. Theo thông tin chính thức từ nhà sản xuất, phiên bản Kindle sắp tới cũng sẽ được trang bị đèn nền. Máy sẽ có mặt trên thị trường từ tháng 7 này, nhưng chi tiết sản phẩm và giá chưa được tiết lộ.

Sony PRS T1

Thiết bị sở hữu màn hình 6 inch với độ phân giải 600×800 (pixel) và khả năng hiển thị 16 mức độ xám (grayscale) khác nhau, cũng giống như ở thiết bị Kindle mới. Bên cạnh đó, Sony thiết kế màn hình của máy với công nghệ Pearl của Công ty E Ink để đạt mức chuẩn của các thế hệ máy đọc sách hiện tại. Cảm ứng của máy khá nhạy, cho phép người dùng lướt qua các trang hiển thị mà không bị giật. Máy có kiểu dáng dài, thon gọn cùng hàng loạt nút bấm màu bạc: Menu, Back, Home và hai nút mũi tên. Ở phía cuối máy là nút bật, cổng micro-USB, nút khởi động lại và khe cắm tai nghe, cho phép người sử dụng có thể nghe nhạc định dạng MP3 và AAC, tức là giúp PRS T1 thoát khỏi cái bóng của Kindle thế hệ mới.

Giao diện truy cập của máy vẫn khá đơn giản, giống như mọi thiết bị đọc sử dụng màn hình e-ink khác, có ô trống điền địa chỉ truy cập ở phía trên màn hình. Tại đó, người dùng có thể đánh dấu địa chỉ truy cập ưa thích của mình vào trong mục “Lịch sử”. Ngoài ra, người dùng có thể lướt nhẹ để chuyển trang và phóng to bằng cách kéo hoặc nhấn vào biểu tượng chiếc kính lúp hiện ra khi cuộn lên, thả xuống. Giống như dòng Pocket Edition ra mắt trước đây, sản phẩm này có màn hình cảm ứng IR, cho phép người dùng lật qua trang khác chỉ bằng một cái lướt nhẹ. Máy không có các phím để lật trang ở phía bên màn hình, nhưng nếu muốn sử dụng theo cách cổ điển thì các phím mũi tên ở cuối máy sẽ đảm nhận nhiệm vụ đó, kể cả khi người dùng đang cầm máy chỉ bằng một tay. Chiếc máy đọc sách này có bộ nhớ trong 2GB giống như đa số các thiết bị đọc sách khác, thêm vào đó là khe cắm thẻ microSD, cho phép nâng cấp bộ nhớ của máy lên nhiều lần tương tự như Nook và Kobo. Ngoài ra, máy còn có kết nối wifi. Được thiết kế ba màu vỏ để người dùng lựa chọn là đỏ, đen và trắng, máy được bán với giá khoảng 3,5 triệu đồng.

Minh Quân

Exit mobile version