Tuy nhiên, điều thú vị là không chỉ cho tiền lũ trẻ, người Việt Nam còn biếu tiền mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ mình. Ở Anh, cha mẹ thường nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Khi con đến tầm 18-21 tuổi, chúng sẽ chuyển ra ngoài và không giúp đỡ gì cha mẹ chuyện tiền bạc, hoặc chính cha mẹ cũng từ chối việc nhận tiền. Tôi thấy ở Việt Nam, con cái khi đến tuổi đi làm thì tự nhận trách nhiệm nuôi dưỡng và chu cấp cho cha mẹ.
Một điều kỳ lạ nữa, từ góc nhìn của người nước ngoài, đó là số lượng khách mà bạn tiếp đón vào dịp tết. Dường như nhà ai cũng mở cửa với trà và bánh sẵn sàng tiếp bạn bè, đồng nghiệp, người thân… Việc đón những nhóm khách từ 5-10 người vào bất cứ ngày nào trong tết là điều bình thường. Nhưng chuyện này lại ít khi xảy ra ở Anh. Có lẽ vì ở quê hương tôi, những dịp lễ lạt như vậy mọi người thường uống rất nhiều và chẳng thể nào lái xe đi đến nhà người khác chơi được. Cũng có thể vì người Anh có khuynh hướng dành những ngày này cho gia đình hạt nhân của mình hơn là gặp gỡ và tiếp đón càng nhiều người càng tốt như phong tục ở Việt Nam.
Mặc dù có những điểm hơi lạ, nhưng tôi cho rằng những ngày đặc biệt này với người dân ở bất cứ nơi đâu cũng quan trọng. Tặng quà, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và yêu thương, cùng vui chơi với bạn bè và gia đình là những điều vô cùng quý giá, nhất là khi nhịp sống hiện đại khiến cho thời gian ngày càng eo hẹp. Và tôi muốn gửi lời chúc mừng năm mới đến mọi người. Chúc các bạn sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc.
Mark Jones