Ngăn tường để nhà tốt hơn

Tốt ở đây là về mặt phong thủy ngôi nhà được thông suốt về dẫn truyền khí, và hợp lý về không gian sử dụng. Tốt cũng đơn giản là trong các giới hạn sẵn có, thậm chí bất lợi của khu đất, thì việc bố cục mặt bằng và ngăn chia phòng ốc thông qua hệ thống tường vách sẽ giúp nhà đạt được các yêu cầu về công năng và thẩm mỹ.

Tường nhà xác định không gian

Nếu như khu vực sàn nhà chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc đi lại và sắp xếp vật dụng trong nhà, thì tường nhà chủ yếu đóng vai trò ngăn che và tạo thẩm mỹ. Cũng nhờ tường nhà mà nội khí mới được lưu giữ và bình ổn (tàng phong tụ khí), do vậy việc bố trí và hoàn thiện tường nhà liên quan đến việc cân bằng khí và tầm nhìn nội – ngoại thất.

Đặt các không gian giao thông như cầu thang vào vị trí đất xéo, tóp hậu sẽ giúp “nắn thẳng” lại nhà, giám bớt tác động của khu đất méo mó

Cân bằng khí là giải pháp phong thủy giúp tạo sự hài hòa giữa nơi cư trú với môi trường chung quanh, trong đó tường nhà là phương tiện hữu hiệu để điều chỉnh. Ví dụ nhà tiếp giáp với hướng nắng gắt thì tường nên xây dày, dùng hành lang đệm, lúc hoàn thiện tường cần dùng màu sáng để tránh tích nhiệt, giảm nhiệt độ cho phòng bên trong. Ngược lại, nếu bề mặt công trình mở về hướng gió mát thì hoàn thiện tường nên thiên về mảng trống, mở cửa nhiều hơn để đón gió lành và ánh sáng tốt. Khi nhà có diện tích rộng so với số nhân khẩu thì dễ gây cảm giác lạnh lẽo, vắng vẻ, có thể khắc phục bằng cách ngăn tường nhiều hơn sao cho không gian vừa đủ sử dụng, dùng các gam màu nóng hoặc vật liệu sậm màu để tạo cảm giác gần gũi, ấm áp hơn. Ngược lại, nếu nhà nhỏ mà người đông, cần làm thoáng đãng nội thất bằng cách giảm vách ngăn, sử dụng các màu sáng dịu để thư giãn, hoặc tạo các khung gương kính phản chiếu gây ảo giác nhà rộng hơn. Tóm lại, cách bố trí và hoàn thiện tường nhà vừa giúp khỏa lấp các khiếm khuyết (nếu có) vừa tạo nên các cảm giác tốt hơn về không gian sống, đồng thời tránh những tác động xấu từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào.

Xử lý nhà tóp hậu

Có nhiều dạng nhà bất lợi về phong thủy do hình thế khu đất, như nhà nằm tại ngã ba, nhà ở chỗ “góc sao đao đình”, nhưng phổ biến và gây nhiều e ngại hơn cả là chuyện nhà đất bị tóp hậu. Nói một cách đơn giản: nếu phần nhà (đất) phía sau nhỏ hơn, hẹp hơn so với mặt tiền thì gọi là tóp hậu. Không biết từ bao giờ khái niệm nở hậu – tóp hậu đã trở thành một trong những “tiêu chuẩn” để giới kinh doanh nhà đất đánh giá ưu – nhược một căn nhà, miếng đất. Theo các nghiên cứu về khí trường thì trong ngôi nhà sau rộng – trước hẹp (nở hậu), khí sẽ tích tụ lại ở phía sau nhiều hơn. Còn nhà phía trước rộng – sau hẹp thì nội khí không tụ hội được, nếu càng đi vào càng bị thu hẹp sẽ tạo cảm giác tù túng, khi đó sắp đặt nội thất trở nên khó khăn, chỉ phô trương hình thức mà không tập trung cho mục đích sử dụng được.

Dùng vách gỗ dưới dạng tủ hoặc lam gỗ đem lại hiệu quả sử dụng cao và nét trang trí nhẹ nhàng

Tuy nhiên xét đến nội khí hữu ích là phải xét phần không gian sử dụng, có chính có phụ, chứ không đơn giản là so mặt tiền với mặt hậu. Như hình khối của Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao xuống không thể nói là tóp hậu được, vì phần phía sau ít dùng đến có diện tích nhỏ cũng không sao, trong khi phần gian chính để hành lễ là khu vực rộng rãi nhất. Ngôi nhà nếu có phần sau bị nhỏ lại thì cần xem đó là phần chính hay phần phụ để bố trí ngăn chia cho hợp lý. Khoa phong thủy từ truyền thống đến hiện đại đều không quá đặt nặng chuyện nở hậu hay tóp hậu. Gặp đất xéo thì làm nhà vuông, gặp nhà xéo thì làm phòng vuông. Quan trọng là không gian cư trú có được thuận tiện, thông thoáng, thẩm mỹ hay không. Vì thế cách thức sử dụng và xử lý không gian nội – ngoại thất như thế nào quan trọng hơn là sự chênh lệch vài ba tấc giữa kích thước mặt trước và mặt sau của miếng đất, ngôi nhà.

Tạo sự liên kết khí trong nhà thông qua các dạng vách ngăn lửng, khung kính, tủ kệ linh hoạt

Việc phải xử lý nhà tóp hậu thực ra không khó khăn, chỉ cần lấy một bên tường ổn định làm chuẩn để xác lập các không gian chính, phần xéo sẽ đặt các không gian phụ nhằm giảm khiếm khuyết. Điều cốt lõi là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ hay bếp đều vuông vức, dồn ngóc ngách về phía kho, khu vệ sinh, cầu thang thì sẽ không còn cảm giác tóp hậu nữa.

Hoàn thiện tường theo nguyên tắc tương sinh – tương khắc

Hoàn thiện tường nhà liên quan đến tầm nhìn và cảm nhận không gian của người cư ngụ, dễ nhận thấy nếu thay đổi màu sơn một ngôi nhà thì nó sẽ đem lại một ấn tượng khác hẳn. Cha ông ta ngày xưa cứ mỗi năm lại đều đặn quét vôi lại ngôi nhà và tường rào, vừa để làm vệ sinh, tẩy rửa bụi bặm của năm cũ, vừa đem lại sức sống tươi mới hơn dù kết cấu tường và cảnh quan chung quanh không thay đổi. Có nhiều nguyên tắc để chọn lựa màu sắc và vật liệu hoàn thiện tường, như hài hòa theo bảng màu, tương phản theo thị giác hay đồng điệu theo một gam màu chủ đạo nào đó. Ở đây chúng tôi nêu giải pháp hoàn thiện bề mặt tường theo nguyên tắc tương sinh – tương khắc của ngũ hành. Không gian cư trú được quan niệm bao gồm hình (hình thể) + chất (chất liệu) + sắc (màu sắc) tương ứng với ngũ hành (thông qua các dạng hình thể, chất liệu, màu sắc của Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ mà ta đã biết). Văn hóa phương Đông quan niệm hoàn thiện vật liệu theo hai phép tương khắc – tương sinh trong ngũ hành. Tương sinh thì lấy hành bản mệnh của chủ nhà và hai hành trước – sau trên vòng tròn sinh khắc để mà phối. Tương khắc là hai hành còn lại được khuyên nên dùng hạn chế.

Một biến thể của bình phong theo lối hiện đại, vừa giúp ngăn chia thoáng vừa tạo thẩm mỹ tốt

Sử dụng đa dạng chất liệu nhưng có chọn lọc, có điểm nhấn giúp tường tạo được sự hài hòa và cá tính cho nội thất

Ví dụ như một gia chủ mạng Thổ thì màu sắc, chất liệu hoàn thiện tường nên dùng gam màu vàng chủ đạo, bề mặt phẳng có thểốp gạch, đá (đều thuộc Thổ, bình hòa bản mệnh). Sau đó bổ sung thêm tính chất của hai hành Hỏa (ví dụ màu đỏ, cam, mảng trang trí chéo) và hành Kim (trắng, xám, chất liệu kim loại, điểm xuyết chi tiết tròn). Những màu đen hoặc xanh dương (Thủy) và xanh lá cây (Mộc) là các hành tương khắc với hành Thổ thì dùng mang tính điểm xuyết như khung cửa, vật dụng… Đây cũng là nguyên tắc hài hòa, cân bằng ngũ hành theo quan điểm vạn vật đều có chứa cả ngũ hành với một hành nổi trội hơn tùy chủ thể.

Bài KTS Hà Anh Tuấn
Ảnh Xuân Trang

Exit mobile version