Ngân hàng thời AI: Khi “giữ tiền” không còn là công việc chính

Một ngày giữa tháng Bảy, trong một hội thảo trang trọng của Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cất giọng trầm ấm: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực số như hiện nay.”

Đây là lúc người trẻ công nghệ có thể viết lại tương lai ngành tài chính. (Ảnh: Pexels)

Một câu nói ngắn, không gắt gỏng, không giật gân – nhưng đủ để khiến cho tất cả các khán thính giả trong hội thảo phải trăn trở về tương lai nguồn Nhân lực của Ngành Ngân hàng trong tương lai. Không phải vì lời ấy lạ, mà vì nó đến từ một người đã chứng kiến cả hành trình tiến hóa của ngành tài chính Việt: từ quầy giao dịch đầy giấy tờ đến những cú chạm lướt trên ứng dụng di động.

Từ ‘bút bi và hóa đơn’ đến ‘AI và dữ liệu’

Ngân hàng từng là biểu tượng của sự chắc chắn, an toàn và… chậm rãi. Nhưng điều đó đã đổi thay trong chưa đầy một thập kỷ.

Mỗi ngày, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng Việt Nam xử lý tới 830.000 tỷ đồng – tương đương hơn 35 tỷ USD.
Hệ thống chuyển mạch bù trừ quốc gia tiếp nhận khoảng 25 triệu giao dịch/ngày.
Và hơn 90% giao dịch đang diễn ra hoàn toàn qua kênh số.

Không còn cảnh chen chúc lấy số thứ tự, không còn chờ ký tá, photocopy giấy tờ. Giờ đây, một cú chạm là tiền đi, tài khoản mở, khoản vay duyệt – không cần gặp ai.

Nhưng càng “vô hình”, ngân hàng càng cần đội ngũ đứng sau vận hành những dòng mã: kỹ sư AI, nhà phân tích dữ liệu, chuyên viên an ninh mạng, chuyên gia trải nghiệm người dùng…

Ngân hàng giờ đây giống một công ty khởi nghiệp công nghệ

Chính ông Phạm Tiến Dũng thừa nhận: “Chúng ta đang xử lý tới 50–100 triệu giao dịch điện tử/ngày. Không có công nghệ, không có người hiểu công nghệ, thì làm sao đảm bảo an toàn cho hệ thống lớn như vậy?”

Ngân hàng đang phải làm quen với những thuật ngữ từng chỉ có trong các startup: blockchain, trí tuệ nhân tạo, điểm tín dụng dựa trên hành vi tiêu dùng, mô hình tự động hóa quy trình RPA, quản trị dữ liệu đa tầng

Thử nhìn vào VietinBank iPay: hơn 150 tính năng, 2 tỷ giao dịch trong năm 2024 – tăng 66% so với năm trước. Quy trình giải ngân từng mất hàng giờ, giờ rút xuống 5 phút.

Với tốc độ này, một ngân hàng không ứng dụng công nghệ không khác gì… đi bộ trong đường đua công thức 1.

Nhưng chuyển đổi số không tự xảy ra. Và khủng hoảng thật sự là nhân lực.

Theo Học viện Ngân hàng, đến năm 2026, ngành này cần tới 750.000 nhân sự công nghệ, gấp đôi chỉ sau 8 năm.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh thẳng thắn: “Các trường đại học không thể đáp ứng nổi tốc độ đào tạo nếu không có sự liên kết thực tiễn.”

Câu chuyện không chỉ là thiếu người. Mà là thiếu đúng người: không ai dạy kỹ năng xử lý gian lận bằng dữ liệu lớn, hay làm mô hình đánh giá rủi ro AI ứng dụng cụ thể trong ngân hàng.

Ngành ngân hàng đang dần hiểu: không thể mãi tuyển những người “có chứng chỉ ngân hàng” – mà cần người biết xây ứng dụng, hiểu hành vi người dùng, có tư duy nền tảng về kỹ thuật.

Tôi được biết, một số các Ngân hàng lớn và tiên phong trong công nghệ đã thành lập mô hình “lab đổi mới sáng tạo” để ứng dụng công nghệ nhiều nhất có thể. Nhưng phần lớn các ngân hàng còn lại vẫn đang “vừa học vừa làm”. Và cũng đã xuất hiện những báo động đỏ cho ngành Ngân hàng: “Tech talent đang về tay các công ty AI, startup hoặc các sàn thương mại lớn. Nếu ngân hàng không có môi trường sáng tạo – đãi ngộ đủ hấp dẫn – thì không giữ được.”

Vấn đề ở đây không chỉ là lương. Mà là môi trường linh hoạt, cơ hội học hỏi công nghệ mới và quyền tự chủ trong thiết kế sản phẩm – điều mà các công ty công nghệ vốn làm rất tốt.

Những gợi ý từ thực tiễn – để ngân hàng không bỏ lỡ “con tàu số”

Từ nhiều diễn đàn và hội thảo chuyên ngành, ba nhóm giải pháp nổi bật đã được nhấn mạnh:

  1. Chuẩn hóa năng lực số ngành ngân hàng: Không phải ai làm công nghệ cũng làm được ngân hàng. Nhưng nếu không có khung năng lực chung, thì ngân hàng mãi sẽ tuyển “cảm tính”.
  2. Tái cấu trúc đào tạo: Các trường ngân hàng cần mở chương trình fintech kết hợp coding – dữ liệu – UX/UI. Đồng thời xây dựng mô hình học linh hoạt, theo kiểu bootcamp, học trong doanh nghiệp.
  3. Khuyến khích xây dựng hệ sinh thái sáng tạo nội bộ: Tạo “tech guilds” như trong startup – nơi kỹ sư ngân hàng được thử nghiệm, triển khai, học hỏi và thất bại nhanh.

Bạn sẽ là người viết tiếp tương lai ngân hàng?

Khi ngân hàng không chỉ “giữ tiền” – mà giữ cả dữ liệu, giữ niềm tin số, và giữ kết nối với tương lai… thì đâu là vai trò của bạn?

Bạn – người trẻ đang học công nghệ, hay đang tìm kiếm môi trường thử thách mới – có sẵn sàng bước vào một ngân hàng công nghệ số 100%?

Exit mobile version