Lượn trong mây trời như chim ngắm đồi núi, sông hồ

Những ngày cuối tuần của tháng 5, nhiều nhóm bạn trẻ ở các nơi tìm đến thú vui cảm giác mạnh bằng môn thể thao mạo hiểm bay dù lượn vòng vòng trên bầu trời phía bắc.

Lượn trong mây trời như chim ngắm đồi núi, sông hồ
Luồng khí nóng thổi vào vách núi tạo lực đẩy nâng dù bay lên. Người chơi được tha hồ tự chụp, quay hình cảnh quang những điểm mà mình bay qua. Ảnh: TTD

Khu vực quanh Hà Nội được các bạn trẻ tìm đến nhiều nhất là núi Viên Nam (giáp ranh giữa huyện Thạch Thất, Hà Nội với phường Kỳ Sơn (TP.Hòa Bình) và Đồi Bù (nằm giữa huyện Chương Mỹ, Hà Nội và huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Do mùa này không có gió bắc nên Đồi Bù không được chọn bay, mọi người hướng về núi Viên Nam cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 60km làm điểm bay.

Qua trạm thu phí đường Hòa Lạc – Hòa Bình chừng 3,5 km, chúng tôi tập kết xe và thiết bị bay tại bãi đáp dù – là một khu đất trống  nằm đối diện UBND xã Quang Tiến, nơi có băng rôn mang dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu và du khách về dự khai mạc chương trình trải nghiệm bay dù lượn nằm trong chuỗi hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh Hòa Bình năm 2022”.

Một pha “xuống đất” bằng mông. Ảnh: TTD

Ngồi đợi bạn Nguyễn Thuỷ Ngân (Thái Nguyên) đang từ đỉnh ngọn đồi trọc khu vực núi Viên Nam bay dù đôi xuống, nhóm bạn Hoàng Yến (TP.HCM), Giang và Quế (cùng ở Hà Nội), … cho biết mọi người chọn môn thể thao này theo lời rủ rê và cũng là để thử thách bản thân. Các bạn của Ngân chọn ngày cuối tuần mọi người cùng nghỉ làm để tham gia trò chơi mạo hiểm này. Riêng bạn Hoàng Yến một youtuber về du lịch khá nổi tiếng ở TP.HCM lần đầu trải nghiệm môn này để post lên kênh của mình.

Phi công Tuấn Nguyễn (Hội dù lượn TP Hà Nội) cảnh báo trước: khi lên đến bãi bay, mặc dù bạn và phi công đã nai nịt đeo đai ngồi, đội mũ bảo hiểm, cánh dù được trải sẵn sàng mà trời có dấu hiệu mưa dông, tốc độ gió cao trên 7m/s (25km/h), gió giật bất thường thì phi công sẽ không bay vì lý do an toàn. Các bạn phải đợi, mà khi thời tiết không cho phép các bạn vẫn phải mất tiền thuê xe lên và xuống. Đồng ý thì chúng ta cùng lên núi!

Phi công Tuấn Nguyễn (phải) cùng đồng đội tháo đai ngồi, nón cho người chơi sau khi tiếp đất an toàn. Ảnh: TTD

Mất 15 phút để xe địa hình chuyên dùng đưa chúng tôi ngoằn nghèo lên bãi bay dã chiến. Đây là một đồi trọc rộng khoảng 500m2, cao khoảng 600m so với mực nước biển, cách điểm đáp chừng 3km đường chim bay. Được anh bạn là phi công Trọng Hải hướng dẫn, chúng tôi phải làm quen sơ bộ với các thiết bị bay như bộ dù đôi nặng trên 12kg gồm đai ghế ngồi, cánh dù, bộ đàm, máy đo độ cao, định vị GPS, máy ảnh Gopro, dù dự phòng, nón bảo hiểm. Ngoài ra còn phải biết cách chạy lấy đà, lúc nào co duỗi chân khi bay hoặc đáp, hai tay phải để đâu trước và sau khi cất cánh…

Sau khi chuẩn bị và kiểm tra an toàn bãi bay, phi công Công Anh nai nịt và hướng dẫn bạn Phú (ở Hà Nội) một cách nhanh lẹ vì trước đó Phú đã bay vài lần. Họ bay ngay sau đợt gió đầu tiên, sau 10 phút bay lượn ngắm cảnh đồi núi cả hai đáp xuống an toàn đúng điểm hẹn.

Bạn Nguyễn Thuỷ Ngân (dù bên trái) từ Thái Nguyên ra Hà Nội rồi lên đây để được lần đầu trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm nhưng vô cùng thú vị. Ảnh: TTD

Vừa xuống đúng bãi đáp an toàn, cô Nguyễn Kim Oanh (64 tuổi ở Hà Nội) hào hứng cho biết: “Được người cháu làm phi công dù lượn hướng dẫn, tôi phải mất khá nhiều thời gian và công sức để cùng phối hợp bay, vài lần gió quật cho hai cô cháu lăn ra đất, rồi cũng bay lên được, thật sản khoái khi lơ lững nhẹ nhàng bay như mây giữa trời. Tuy nhiên vì hồi hộp, tôi đã ấn nhằm nút off trên máy Gopro nên không ghi được cảnh nào trên chuyến bay dù lượn đầu tiên trong đời, tôi nhất quyết phải làm tốt cho lần tới” – Cô hùi hụi tiếc rẻ.

Không dễ dàng bay như những đội trước, nhóm chúng tôi có chút khó khăn khi một người cất cánh mấy lần mới bay được, một trường hợp khác bị xẹp dù khi bất ngờ bay vào dòng khí loạn, xém tí nữa phải dùng dù dự phòng, may mà phi công xử lý kịp thời khi mất đọ cao. Lúc đáp khẩn cấp, phi công đã né được đường dây điện cao thế và đáp xuống ruộng ngô cách bãi đáp khoảng 500m.

Dù lượn còn gọi là Paragliding là một môn thể thao hàng không thuộc nhóm Free Flight (không động cơ). Ảnh: TTD

Tuy có tí trục trặc, nhưng chúng tôi đã có nhưng giây phút trải nhiệm tuyệt vời. Cảm giác “tự do” bay lượn trong không khí, tha hồ phóng tầm mắt ngắm nhìn núi dồi hoang sơ, thả hồn vào màu xanh cây cỏ, sông hồ…. Với trò chơi mới này hòa trong không gian rộng rãi, thoáng đãng, những nơi như thế này sẽ trở thành một địa điểm đi “trốn” thú vị của mọi người ưa mạo hiểm trong cả mùa hè này.

Dù lượn còn gọi là Paragliding là một môn thể thao hàng không thuộc nhóm Free Flight (không động cơ). Trong trò chơi này, phi công được ngồi trên chiếc đai (harness) và kết nối với một cánh dù lượn (paraglider) nhìn gần giống cánh máy bay. Với nguyên lý đánh đổi độ cao lấy quãng đường, dù lượn cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay một cách thực sự tự do trên bầu trời. Dù lượn được cất cánh từ đỉnh hoặc sườn núi, di chuyển theo phương gần ngang, phi công có thể lái và điểu khiển hướng bay. Người chơi dù lượn có tính độc lập cao và  sẽ được trải nghiệm nhiều loại cảm giác vô cùng thú vị khi lượn giữa trời cao như chim.

Một trường hợp gió bị nhiễu loạn, dù bị xếp rất khó để đủ lực để cất cánh. Ảnh: TTD
Phi công Công Anh điều khiển dù bay cùng bạn Phú (ở Hà Nội) dễ dàng cất cánh ngay đợt gió đầu tiên. Ảnh: TTD
Phi công kiểm tra các thiết bị an toàn trước khi cho dù bóc lên. Ảnh: TTD
Bãi bay cần có chỗ trải dù và đoạn đường chạy khoảng 50m dài, rộng hơn 10m. Ảnh: TTD
Xe chuyên dụng chở người chơi và thiết bị lên điểm cao để xuất phát, trong đó bộ bay dù đôi nặng từ 12-18 kg tùy loại. Ảnh: TTD
Tốc độ gió khi chúng tôi bay là từ 4-6m/s. Ảnh: TTD

 

Exit mobile version