Đưa biển vào nội thất

Khu đất có diện tích rộng khoảng 250m², trong một khu đô thị biển, có vị trí khá lý tưởng: tựa lưng vào núi và phóng tầm nhìn ra biển...

Thường thì cách tổ chức không gian và tiện ích của ngôi nhà sẽ phần nào giúp “nhận diện” đời sống của chủ nhân. Tất nhiên, góp phần không nhỏ để tạo nên diện mạo ấy đến từ chuyên môn: các kiến trúc sư.

Biệt thự hướng ra biển tại khu đô thị An Viên 3
Ấn tượng của vật liệu gỗ trên toàn bộ bề mặt của khối kiến trúc

Ở căn biệt thự này, người ta có thể nhận ra sự chắt lọc về chi tiết, sắc bén trong hoàn thiện và điều quan trọng là ưu thế về vị trí cũng như thiên nhiên đã được thiết kế khai thác một cách triệt để, tất cả tạo nên một không gian sống nhiều tiện ích và đầy tính hưởng thụ.

Mặt tiền công trình nhìn từ bên ngoài ở thời điểm ánh sáng khác nhau, với hai trạng thái đóng và mở hệ cửa lùa trên lầu 1

Khu đất có diện tích rộng khoảng 250m², trong một khu đô thị biển, có vị trí khá lý tưởng: tựa lưng vào núi và phóng tầm nhìn ra biển. Đề bài của chủ đầu tư thiên về công năng, đó là tổ chức không gian sao cho có được đầy đủ các tiện ích chức năng của một căn biệt thự nghỉ dưỡng năm phòng ngủ, trong quy mô xây dựng gồm tầng hầm, tầng trệt, tầng lửng và một lầu. Đặc biệt, chiều cao của khối kiến trúc cần phải “giới hạn” theo quy định riêng để chia sẻ view biển cho các căn biệt thự phía sau.

Hướng tiếp cận từ sân vườn trước
Không hề có khoảng cách giữa hồ bơi bên ngoài và không gian sinh hoạt chung trong nhà
Một góc nhìn từ cạnh bên của công trình

Như vậy, cái khó của người thiết kế là phải nghĩ ra một giải pháp nhằm “gói” các không gian trong một chiều cao giới hạn – không đủ để đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ trong kiến trúc, nhưng vẫn tạo cảm giác hài hòa và đẹp, đồng thời “mở” không gian ra các tầm nhìn giá trị vốn là ưu thế của vị trí. Những hình ảnh của căn biệt thự khi đi vào hoạt động chính là hiệu quả từ giải pháp thiết kế.

Không gian sinh hoạt chung ở tầng trệt và tầng lửng với hai trạng thái đóng và mở

Nhìn tổng thể, căn biệt thự với sự kết hợp của vật liệu gỗ và đá tạo nên một khối kiến trúc đơn giản, mạnh mẽ và đẳng cấp. Sự kết hợp này cũng được tính toán để đem lại hiệu quả về thị giác nhằm phá bỏ cái thực tế giới hạn về mặt tỷ lệ trong kiến trúc mà đề bài buộc phải tuân thủ.

Không gian sinh hoạt chung, góc nhìn từ ngoài vào và cầu thang lên lầu
Hệ cửa lùa nơi tầng trệt khi mở ra cho thấy không có ranh giới giữa bên trong và bên ngoài
Ở góc nhìn này, biển như ùa vào trong nội thất

Từ hồ bơi nhìn vào phòng khách và từ phòng khách nhìn ra hồ bơi

Hệ lam gỗ ở các tầng đều linh hoạt đóng – mở tùy theo nhu cầu sử dụng cũng đem lại ấn tượng khác nhau cho mặt tiền nhìn từ bên ngoài, đồng thời chủ động trong khai thác tầm nhìn từ bên trong ra, nhờ vậy, cảm giác như không có giới hạn giữa bên trong và bên ngoài, biển như được đưa vào trong nội thất.

Phòng xem phim dưới tầng hầm, từ đây có thể thấy vận động trên hồ bơi qua vách hồ bằng kính trong suốt

Các góc nhìn khác nhau cho thấy sự chan hòa giữa mảng vườn sát vách núi và phòng ngủ ở vị trí hướng núi

Một điểm đáng lưu ý khác ở căn biệt thự này chính là các căn phòng hướng núi. Thường thì với các phòng có vị trí hướng vào vách núi, người ta hay “đóng” lại bởi nghĩ rằng vách đá thì có gì đặc biệt! Ngay cả chủ đầu tư trong trường hợp này cũng “lăn tăn” về điều đó, nhưng khi được thuyết phục và công trình đi vào sử dụng, họ nhận ra rằng việc lắng nghe nhóm thiết kế là một quyết định đúng. Căn phòng tiếp cận với vách núi và mảng vườn nhỏ là một không gian hoàn toàn yên tĩnh, riêng tư, đem lại một trải nghiệm thú vị không kém so với những căn phòng có view nhìn hướng biển.

Cầu thang liên kết các tầng cũng tràn ngập cảm giác thiên nhiên

Phần còn lại của thiết kế là xử lý chi tiết và lựa chọn màu sắc, đồ đạc nội thất. Để ý một chút, người ta sẽ nhận ra đây là một không gian sống đầy đủ tiện ích nhưng mọi thứ được tiết chế gần đến mức tối giản: vật liệu gỗ và đá, tổng thể thuần khiết với màu trắng và gỗ tự nhiên.

Phòng ngủ trên tầng lửng dù trần thấp nhưng cũng không hề “thiệt thòi” vì view nhìn ra biển đóng khung như một bức tranh lớn

Một phòng ngủ với hệ cửa lùa cho phép chủ động khai thác tầm nhìn

Phòng ngủ và bồn tắm là một không gian thông suốt và trải dài tầm nhìn ra đến biển
Bồn tắm, khối vệ sinh và mảng vườn xanh phía sau

Khối tắm và vệ sinh bằng đá mài trắng; phòng xem phim ở tầng hầm có một view nhìn qua vách kính hồ bơi; không gian sinh hoạt chung (phòng khách, bếp, ăn, bàn bida lỗ) hoàn toàn mở và liên kết với hồ bơi bên ngoài, mặt hồ rộng và ở nhiều góc nhìn cho thấy cảm giác như nối liền với biển cả, tất cả như không có đường phân giới… Hệ cửa trượt được khai thác triệt để cho các phòng nhằm tận dụng tầm nhìn.

Mỗi công ty thiết kế hoặc mỗi kiến trúc sư thường có nguyên tắc riêng trong nghề nghiệp của mình và điều đó định hình hướng đi, phong cách cũng như ngôn ngữ riêng của họ. Với những người thiết kế căn biệt thự này (và cũng như nhiều dự án khác mà họ từng làm), mọi thứ đều xuất phát từ công năng. Họ nói ít nhưng làm nhiều và nhìn vào công trình của họ, có thể thấy rằng họ đang có những bước đi vững chắc để có được vị trí của mình trong hoạt động sôi nổi của kiến trúc Việt Nam ở giai đoạn hiện nay.

_______
Hình ảnh thực hiện tại khu đô thị An Viên, Nha Trang, Khánh Hòa
Thiết kế: KTS Michael Charruault và KTS Phạm Thị Mỹ An
MM++ ARCHITECTS – MIMYA
Địa chỉ: Tầng 3, 58 Phan Bội Châu, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38226248
Website: www.mmarchitects.net/
_______
– Ảnh Hiroyuki Oki

 

Exit mobile version