Đàn ông đã làm đẹp từ nhiều ngàn năm trước

Nếu bất cứ quý ông nào cảm thấy bất an vì hình như mình đang dần trở nên chải chuốt quá đáng, thì có lẽ họ cũng nên biết rằng cạo râu, cắt tỉa, hay tạo mẫu tóc là những hành động mang nặng ý nghĩa văn hóa đối với nam giới ở rất nhiều nơi từ… vài ngàn năm qua. Cạo râu và chải chuốt tóc tai đã từng được xem là một phần của nghi lễ tôn giáo thể hiện quyền lực và địa vị. Câu chuyện thời trang kỳ này sẽ đưa bạn đọc đến khám phá lịch sử độc đáo của việc cạo râu và chải chuốt đầu tóc của nam giới trên thế giới.

Hình ảnh người đàn ông hiện đại cạo râu và chải tóc để sẵn sàng cho một ngày mới đang đến đã trở nên rất quen thuộc, và thậm chí có thể nói không ngoa rằng đối với đa số quý ông, việc chọn được cho mình một kiểu tóc phù hợp cũng khá phức tạp và đau đầu chẳng kém gì phụ nữ. Nếu bất cứ quý ông nào cảm thấy bất an vì hình như mình đang dần trở nên chải chuốt quá đáng, thì có lẽ họ cũng nên biết rằng cạo râu, cắt tỉa, hay tạo mẫu tóc là những hành động mang nặng ý nghĩa văn hóa đối với nam giới ở rất nhiều nơi từ… vài ngàn năm qua. Cạo râu và chải chuốt tóc tai đã từng được xem là một phần của nghi lễ tôn giáo thể hiện quyền lực và địa vị. Câu chuyện thời trang kỳ này sẽ đưa bạn đọc đến khám phá lịch sử độc đáo của việc cạo râu và chải chuốt đầu tóc của nam giới trên thế giới.

Từ Ai Cập xa xưa

Trong những năm đầu của nền văn minh Ai Cập cổ đại, nam giới trưởng thành thường để bộ râu và tóc dài. Mặt nạ người chết và một số bức tranh tìm thấy của người Ai Cập cổ cho thấy, người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng sẽ có bộ râu đầy đủ, rậm rạp.

Thói quen chăm sóc tỉ mỉ cho từng cọng tóc và râu bắt đầu “giảm nhiệt” khi Ai Cập bước vào thời kỳ Dynastic Period (khoảng từ năm 5500 đến năm 3100 trước Công nguyên). Ở thời kỳ này, tóc được xem như những tàn dư của loài vượn – tổ tiên của con người. Chính vì thế, để đưa con người ra khỏi thời kỳ nguyên thủy và bước vào giai đoạn văn minh hơn, những người đàn ông Ai Cập cạo tất cả tóc, râu, lông trên người và thậm chí cả lông ở các bộ phận nhạy cảm. Xuất hiện trước mặt mọi người với một mái tóc hay bộ râu rậm rạp, bạn sẽ ngay lập tức rơi xuống tầng lớp có địa vị thấp trong xã hội.

Bộ dụng cụ cắt tóc dành cho nam giới thời xưa và những dụng này vẫn được sử dụng rộng rãi trong các hiệu cắt tóc của ngày hôm nay

Tuy cạo sạch râu và tóc trên cơ thể nhưng người Ai Cập vẫn tôn thờ râu như một biểu tượng quyền lực của thần thánh. Các vị vua trong thời kỳ này đều được mô tả với một bộ râu quyền lực.

Đến các quý ông Hy Lạp và La Mã cổ đại

Người Hy Lạp cổ đại rất xem trọng bộ râu. Râu thể hiện sự dũng mãnh, nam tính và sự khôn ngoan. Một cậu bé Hy Lạp trong thời cổ đại không được phép cắt tóc khi râu chưa mọc ra. Việc cắt râu của người khác được xem là hành vi phạm tội nghiêm trọng và sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù rất nặng. Còn cạo râu được xem là một hình phạt khủng khiếp đối với người đàn ông Hy Lạp cổ. Chỉ đến khi Alexander đại đế lên ngôi và cho rằng bộ râu là điểm yếu của binh lính khi ra chiến trận thì vai trò quan trọng của bộ râu mờ dần đi.

Khác với sự phân biệt giai cấp của người Ai Cập cổ, hành động cạo râu của người La Mã cổ là phong tục, một nét văn hóa riêng. Lần đầu tiên cạo râu trong đời của một chàng trai trẻ vô cùng thiêng liêng, được xem là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời và trở thành một nghi thức tôn giáo. Vào ngày sinh nhật, nam giới sẽ cạo râu để gia đình và bạn bè xem. Râu đã cạo sẽ được cất giữ trong một chiếc hộp đặc biệt và dành để dâng lên một vị thần La Mã.

Châu Phi huyền ảo và nhiều bí mật

Cả trong quá khứ và thời điểm hiện tại, nam giới của thổ dân châu Phi cũng thực hiện nhiều phương pháp chăm sóc râu, tóc, da khá đặc biệt và kỳ bí.

Với các chàng trai trẻ bộ tộc Masai ở đất nướcKenya, phong tục cạo trọc đầu được xem là một trong nhiều bước đi trên con đường phát triển của họ. Để được trở thành một chiến binh cao cấp của bộ tộc, bà mẹ sẽ cạo hết tóc của chàng trai và từ đó, chàng trai có thể bắt đầu hành trình vào tuổi trưởng thành. Người đàn ông trưởng thành chuyển sang giai đoạn của người cao tuổi sau khi bị cạo đầu một lần nữa dưới bàn tay của người vợ. Chiến binh Masai là nhóm duy nhất được phép để tóc dài, chính vì thế mái tóc của họ nhận được sự quan tâm, chăm sóc rất kỹ lưỡng từ những người đàn ông khác trong bộ tộc. Họ dành nhiều thời gian để chăm sóc và tạo kiểu tóc cho nhau, bằng cách trộn tro, đất sét và mỡ động vật, tạo màu…

Và ngành kinh doanh sản phẩm làm đẹp cho quý ông ra đời

Lần theo lịch sử làm đẹp của đàn ông, chúng ta biết được kem cạo râu dạng thô dành cho các quý ông đã xuất hiện cách đây 3.000 năm. Sản phẩm được chiết xuất từ gỗ và mỡ động vật. Nhưng phải đến những năm đầu thế kỷ XX, những sản phẩm xà phòng hỗ trợ việc cạo râu mới thực sự được sử dụng phổ biến tại các quán bar.

Đến khoảng năm 1949, sản phẩm kem cạo râu đầu tiên mang tên Rise Shaving Cream do hãng Carter-Wallace sản xuất có mặt trên thị trường. Bắt đầu từ đây, nam giới đã hình thành thói quen cạo râu và chăm chút kỹ càng hơn cho gương mặt. Có thể coi sự ra đời của sản phẩm này đánh dấu một ngành kinh doanh có nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao và đa dạng – ngành kinh doanh sản phẩm làm đẹp cho nam giới.

Những người đàn ông metrosexual hiện đại

Việc làm đẹp, trau chuốt cho ngoại hình… hiện nay không còn là chuyện riêng của nữ giới, mà phái mạnh, đặc biệt là những chàng trai trẻ cũng chăm chút diện mạo không thua gì những người khác phái.

Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh – một trong những tín đồ của metrosexual trong làng giải trí ViệtNam

Khái niệm metrosexual xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994 và ngày nay đã trở nên rất phổ biến trên toàn thế giới. Metrosexual dùng để chỉ một người đàn ông luôn chú ý nhiều tới ăn mặc, hình thức, chăm sóc sắc đẹp và hình ảnh của mình, thường xuyên chăm chút cho vẻ ngoài từ việc vuốt gel cho tóc, cạo tỉa bộ râu đến việc săn sóc từng móng tay.Namgiới thuộc giới thể thao và nghệ sĩ nhanh chóng hưởng ứng nồng nhiệt xu hướng này cho cuộc sống hiện đại.

Việc cắt tỉa râu vẫn còn sức hút đối với những người đàn ông. Dù có người cạo nhẵn bộ râu quai nón đi nhưng vẫn có một số khác bỏ hàng giờ mỗi ngày tỉ mẩn chăm sóc, tỉa tót để có được bộ râu độc đáo, khác lạ

Danh thủ bóng đá David Beckham – đại diện tiêu biểu cho xu hướng metrosexual dành không ít thời gian và tiền bạc để chăm chút cho quần áo, tóc tai không kém gì công sức anh đầu tư vào sự nghiệp bóng đá. Còn nhớ vài năm trước, anh đã tạo một hiện tượng khi thản nhiên xuất hiện ngoài đường phố với bàn tay được chăm sóc kỹ càng bởi các chuyên gia và móng tay được sơn bởi bóng hồng (mà chúng ta không thể phủ nhận là được ảnh hưởng rất nhiều từ người vợ tài năng, xinh đẹp và đỏm dáng Victoria Beckham). Nhiều siêu sao nam lừng danh của Hollywood cũng cập nhật và trung thành với xu hướng mới này như nhạc sĩ rock Dave Navarro, ca sĩ Usher, diễn viên Brad Pitt, Tom Cruise, Hugh Jackman, Zac Efron… Những người đàn ông theo xu hướng metrosexual hầu hết đều thích cắt sửa móng tay, đến viện làm tóc và rất thích chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, họ thường xuất hiện tại các bữa tiệc với những bộ trang phục nổi bật và được lựa chọn kỹ lưỡng. Xu hướng metrosexual ngày càng lan rộng trong giới trẻ với sự chải chuốt trong trang phục và vẻ ngoài bảnh bao, bắt mắt hơn, họ không hề thua kém bất cứ phụ nữ nào trong việc nhận biết và lựa chọn những sản phẩm thời trang, làm đẹp cao cấp và tinh tế.

Với trào lưu metrosexual, việc làm đẹp của đàn ông không đơn thuần là để gây ấn tượng với phái đẹp nữa, mà đã trở thành một phong cách sống thời thượng khẳng định quan điểm và cái tôi của đàn ông hiện đại.

Bộ sản phẩm Love Gift for Men của nhãn hàng L’Occitane gồm sữa tắm, xà bông cục và dưỡng da dành cho nam giới.

Bảo Ngọc

Exit mobile version