Từ sân khấu đến tòa án: Một vở kịch Mỹ với diễn viên Việt và đài phun nước không biết nói năng

Có ai ngờ, sau bao tràng pháo tay rực rỡ ở Paris By Night, Đàm Vĩnh Hưng lại có một “màn solo” đặc biệt ở… Tòa thượng thẩm California. Vai chính: chính mình. Bối cảnh: sân vườn tư gia của một doanh nhân Mỹ. Đạo cụ: đài phun nước. Diễn biến: ngã. Kết luận: kiện.

Nghe như một tiểu phẩm hài, nhưng lại là sự thật 100%. Chỉ có điều, hài kiểu Mỹ thì không đơn thuần là “một cú ngã đáng nhớ” mà là cả một trận pháp pháp lý kéo dài – nơi mà luật và cảm xúc không còn nằm trong cùng một bài hát.

Khi tiếng hát dừng lại và tiếng đơn kiện vang lên

Tháng 2/2024, tại một buổi tiệc mừng Tết Nguyên Đán tại tư gia của ông Gerard Williams – một doanh nhân sống tại bang California, Đàm Vĩnh Hưng là khách mời đặc biệt. Tiệc tư, không ánh đèn sân khấu, không hoa hậu sải bước – nhưng có đài phun nước làm đạo cụ, và có cú trượt chân định mệnh đưa sự kiện này… lên thẳng mặt báo Mỹ.

Theo hồ sơ toà án, nam ca sĩ đã “leo lên đài phun nước không được thiết kế để chịu trọng lượng người”, dẫn đến tai nạn té ngã và hư hỏng công trình. Vài tuần sau, Đàm đệ đơn kiện chủ nhà – Gerard Williams – cáo buộc ông này không đảm bảo an toàn cho khách, vi phạm luật “premises liability” – tức chủ tài sản có nghĩa vụ giữ cho nơi ở của mình an toàn cho khách đến chơi.

Ngắn gọn: “tôi là khách, anh không cảnh báo, tôi ngã, lỗi anh”.

Chủ nhà nói: “Ơ kìa, người ta tự trèo lên mà?”

Tình tiết đảo chiều khi ông Williams kiện ngược Đàm, dựa trên các lý do pháp lý như “intentional tort” (hành vi gây thiệt hại cố ý), trespass (xâm phạm tài sản), và cả negligence (sơ suất) từ chính phía ca sĩ. Bên bị biến thành bên nguyên và ngược lại.

Ngôn ngữ toà án trở nên cực kỳ thú vị: trong khi Đàm nói “tôi tưởng cái đài là bệ trang trí chụp hình”, thì phía Williams bảo: “nó không dành cho người leo, đây là đài phun nước, không phải sân khấu”.

Luật sư của Williams còn thêm một cú đòn: chỉ yêu cầu bồi thường… 2 đô la và một lời xin lỗi.

Nghe như trong một sitcom nào đó của HBO. Nhưng đau thật. Mối quan hệ bạn bè tan vỡ. Đàm từ một ngôi sao được yêu quý trong cộng đồng hải ngoại, bỗng bị kéo vào một cuộc chiến pháp lý nơi mà “sự nổi tiếng” không giúp ích được gì trong mắt luật pháp Mỹ.

“With prejudice” – khi tiếng Anh trở thành… thủ phạm

Căng thẳng đến đỉnh điểm khi vào cuối năm 2024, phía Đàm rút đơn kiện. Giới quan sát tưởng vụ việc khép lại.

Nhưng đâu dễ.

Tháng 3/2025, Đàm tái xuất ở tòa, nộp đơn “phục hồi vụ kiện”, kèm theo 15 trang bản tuyên thệ, giải thích rằng mình bị “lừa” ký giấy rút đơn có ghi “dismissal with prejudice”, vì… không hiểu thuật ngữ pháp lý tiếng Anh.

Cụm từ “with prejudice” ở tòa án Mỹ đồng nghĩa: rút đơn vĩnh viễn, không được kiện lại. Nhưng Đàm khai rằng vợ của ông Williams đã gửi sẵn đoạn văn mẫu, bảo cứ ký “cho xong thủ tục”, khiến anh tưởng đây là cách “đóng băng vụ kiện” chứ không phải “kết thúc hoàn toàn”.

Nam ca sĩ và vợ chồng doanh nhân Gerard Richard Williams III từng có mối quan hệ thân thiết. (Ảnh: Kieng Can)

Người ta có thể học bao năm tiếng Anh mà vẫn không ngờ có ngày… một cụm từ 2 chữ “with prejudice” lại mang tính chất định đoạt cả một cuộc đời pháp lý.

Thắng tạm thời – nhưng đường về vẫn còn xa

Tòa Thượng thẩm Quận Cam sau đó cho phép Đàm Vĩnh Hưng khởi kiện lại. Phiên sơ thẩm diễn ra ngày 7/7/2025, kết thúc với “tỷ số tạm thời: 1 – 0 nghiêng về Đàm”. Nhưng phiên xử chính thức chỉ bắt đầu vào cuối tháng 9/2025.

Dư luận Việt kiều xôn xao. Có người đứng về phía Đàm: “khách mời mà ngã là lỗi chủ nhà chứ?”. Có người phản pháo: “ở Mỹ, luật rõ từng milimet, không có chuyện đổ lỗi cảm tính như ở nhà”. Có người đặt câu hỏi cay độc: “Té xong không lo đi chữa trị lại đòi người ta 2 triệu đô?”.

Chưa rõ ai đúng ai sai. Nhưng nhìn từ ngoài, rõ ràng đây không còn là chuyện một cú ngã – mà là sự va chạm của ba thứ: khác biệt pháp lý, sự thiếu hiểu biết và lòng tin mong manh giữa bạn bè quốc tế.

Pháp lý kiểu Mỹ – nơi cảm xúc không được ưu tiên

Ở Việt Nam, nếu khách đến chơi nhà, leo lên bàn thờ rớt xuống, thì cùng lắm là “tai nạn nhỏ”, nói vài câu rồi huề. Ở Mỹ, toà án có thể kéo dài 2 đến 3 năm để xác định ai chịu bao nhiêu phần trăm lỗi. Đây là nguyên tắc “comparative negligence” – tức là trách nhiệm chia theo tỷ lệ lỗi.

Nếu toà xác định Đàm lỗi 70%, Williams lỗi 30%, thì chỉ phần 30% ấy được bồi thường – nếu có.

Và nếu xác định Đàm tự ý trèo lên, vi phạm cảnh báo hoặc không có sự cho phép, thì có thể bị xem là người xâm phạm tài sản, và bị phản tố thắng. Thậm chí tốn thêm tiền bồi thường.

Luật Mỹ là vậy. Mọi thứ đều có giá. Kể cả… một cú ngã nghệ thuật.

Một chút buồn cho những mối quan hệ tan vỡ

Ẩn sau cuộc chiến pháp lý này là một mối quan hệ bạn bè tan rã, có thể từng là bạn, hoặc ít nhất là quen thân đủ để mời nhau đến nhà dự tiệc Tết.

Người ngoài nhìn vào thấy một bên là ngôi sao Việt tỏa sáng, một bên là doanh nhân thành đạt ở Mỹ – đáng lẽ là mối giao thoa văn hóa kiểu mẫu. Nhưng chỉ vì một khoảnh khắc, một cú ngã, một cái đài phun nước – tất cả vỡ vụn.

Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Bích Tuyền. (Ảnh: T.L)

Mà buồn nhất, là chính vì không hiểu luật, không hiểu nhau, không kiểm soát được cảm xúc, người ta kéo nhau ra toà, rồi không rút nổi. Như lời một cư dân gốc Việt sống ở Quận Cam viết trên mạng: “Ở Mỹ, bạn không cần thù địch để bị kiện. Chỉ cần một phút không đọc kỹ luật là đủ rồi.”

Góc nhìn rộng hơn: Người Việt và bài học về sống ở xứ người

Vụ kiện của Đàm là lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà sâu cay cho cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài – nơi mà mọi thứ, từ giao thông, thực phẩm đến quan hệ xã hội – đều được luật hóa từng centimet.

Ở Việt Nam, có thể “tình làng nghĩa xóm” giúp tha thứ. Ở Mỹ, luật pháp là số 1 – và đôi khi chính điều đó khiến con người lạnh lùng hơn, nhưng cũng rõ ràng hơn. Muốn sống ổn, phải hiểu luật, biết giới hạn, và đặc biệt là đừng bao giờ ký thứ mình không hiểu – dù nó có vẻ “ngắn gọn” đến đâu.

Một cú té không nhỏ và cú học lớn hơn

Người nghệ sĩ vẫn sẽ tiếp tục đi hát, vẫn được yêu mến ở sân khấu hải ngoại. Nhưng trên mặt trận pháp lý, một trận chiến dài hơi đang chờ phía trước. Còn ở ngoài đời, cú té ấy có thể đã lành xương, nhưng lòng tin – có khi vẫn còn đang… nẹp lại.

Người ta bảo: “Đi Mỹ không khó. Sống ở Mỹ mới khó”. Và đi kiện ở Mỹ – thì thôi, xin để các luật sư lo.

Exit mobile version