Công bình cho Công binh

Đọc trước khi xem

Tóm tắt nội dung phim của hãng ADR:

“Đêm trước thế chiến thứ hai, chính quyền thuộc địa Pháp trưng tập 20.000 người Việt – gọi là lính thợ hay công binh – đưa sang mẫu quốc lao động trong những nhà máy vũ khí, thay cho công nhân Pháp phải ra chiến trường.

Khi quân đội Pháp thua trận năm 1940, các lính thợ phải lao dịch cho quân chiếm đóng Đức, và những chủ nhân cộng tác với nó trong những điều kiện cùng khổ. Chính họ đã tiên phong trồng lúa ở vùng Camargue. Ở Việt Nam, lính thợ từng bị xem là phản quốc, mặc dù tất cả đều ủng hộ Hồ Chí Minh khi đất nước độc lập”.

Cảnh trong phim

Trích giới thiệu phim:

“Họ chỉ là những con số đăng ký khuyết danh: ZAN 3, ZAO 10, ZAQ 118… Là dân thuộc địa, không phải con người (…). Trong một thời gian dài, nước Pháp đã tẩy xóa khỏi ký ức tập thể số người nhập cư cưỡng bức đến từ đất nước xa xôi này (…). Sau khi quyển sách “Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France 1939-1951” của Pierre Daum ra đời năm 2009, một cuộc vận động đã bắt đầu nhằm thừa nhận ký ức nói trên. Các thị xã Arles, Miramas, Sorgue đã tổ chức những buổi tưởng niệm ghi công lính thợ Việt Nam (…).Bộ phim của Lê Lâm – người đưa đò ký ức (passeur de mémoire) – cho phép khám phá trang sử không được biết đến này của nước Pháp”.

Trích tâm sự đạo diễn:

“Tôi không phải là nhà báo hay nhà sử học, mà là nhà làm phim. Tôi muốn kể lại câu chuyện này với sự chủ quan và góc nhìn Việt Nam của tôi (…). Tôi thật thích câu nói của đạo diễn Ý Pasolini mà tôi đặt ở đầu phim: “Lịch sử được viết ra bởi những đứa con đi tìm hiểu những người cha”.

Thấy, nghe và ám ảnh

Như cú pháp dẫn chuyện, hai tác phẩm chống chủ nghĩa thực dân nổi tiếng và hồi ký của một công binh được trích đọc trong phim. Đan xen theo đó là trả lời phỏng vấn của hơn hai mươi công binh ở tuổi 90 còn sống sót ở Việt Nam và Pháp, trong đó năm người đã mất trong thời gian dựng phim. Họ kể lại chủ nghĩa thực dân qua cuộc sống hằng ngày của mình, làm chứng cho sự nhục nhã mà họ và con cái họ phải trải qua. Kể về chuyến đi cưỡng bức như thú vật, thậm chí “tệ hơn cả thú vật, bởi bò còn được ở bên trên chúng tôi”.Kể những đọa đày gớm ghiếc mà nửa thế kỷ sau vẫn còn khiến họ nhăn mặt. Đôi chỗ họ làm ta bật cười khi tả lại tiếng reo hò vui sướng của những người nông dân lần đầu tiên thấy điện trên cảng Marseille. Để ngay sau đó là xót xa: “Pháp văn minh, nhưng nó đưa mình vô… nhà tù”.

Một trong những trại chứa công binh

Ký ức mai một, không chính xác, nhưng xuyên suốt câu chuyện là lao động khổ sai, sự đói rét, khổ nhục, nhớ nhà. Rằng sau đình chiến Pháp – Đức, do thiếu lương thực, Pháp đưa công binh Việt Nam tới vùng Camargue làm lúa. Bằng kỹ thuật cấy, họ đã làm nên những vụ mùa bội thu, nhưng vẫn không được đối xử tốt hơn. Cứ vậy, ký ức của người sống và tư liệu lịch sử quý hiếm đưa chúng ta đi qua những cột mốc của đời công binh – nô lệ, từ cuộc ly hương tháng 8-1939 đến tin Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập tháng 9-1945… Đi qua những đấu tranh, đàn áp, giằng co… Đến năm 1952, trừ một số ít chọn ở lại, toàn bộ công binh trở về nước không có chế độ hưu trí.

Nhưng giá trị lớn nhất của phim không phải là sử liệu mà là cách kể chuyện sáng tạo, là khả năng hòa trộn – tưởng như bất chấp – đủ các công cụ nghệ thuật, kể cả trích đoạn phim truyện của Việt Nam, để tạo ra xúc cảm. Thí dụ khi một công binh kể lại cảnh nhồi nhét trên tàu, thì ở góc nhà hai đứa cháu vừa nghe vừa chui xuống gầm bàn đùa giỡn. Hay những cú travelling dài khung cảnh hiện tại khi kể lại các đợt di chuyển năm xưa. Hay chiếc tàu mô hình tí hon nhồi đập trên “sóng biển”, bị nứt đôi khi Pháp thua trận. Hay cách dùng chính con cháu của các công binh phục dựng những sự thật phiên phiến, trong đó, cùng với âm nhạc, cảnh thanh niên co ro trùm chăn trong bóng đêm lương vương khói, khi nhân chứng nói về nỗi nhớ nhà, có thể làm kẻ đa cảm rơi nước mắt. Nhưng tài tình nhất có lẽ là việc sử dụng nhân vật rối nước cho các cảnh minh họa.Đặc biệt cảnh vui mừng độc lập với lá cờ đỏ sao vàng dưới nước trồi lên cùng ca khúc Tiến quân ca, gây xúc cảm trào dâng sởn gai ốc.

Thí dụ tiêu biểu của quyền năng dựng phim, sức mạnh sáng tạo của Lê Lâm chính là phá vỡ khuôn phép, như nhà văn dùng ngôn ngữ không có trong từ điển, miễn là tả được nội dung, tạo nên sự rung động to lớn. Đúng như Lê Lâm nói: “Công Binh, đêm dài của Đông Dương không chỉ là phim tài liệu, nó là phim điện ảnh như mọi phim truyện của tôi”, bộ phim là tác phẩm điện ảnh hoàn hảo. Lê Lâm, như Pasolini nói, là một trong “những đứa con đi tìm hiểu những người cha”, và anh đã tìm hiểu bằng tất cả sự dịu nồng, tha thiết nhất. Nhịp phim nhanh, lôi cuốn, trừ một đoạn hơi dài khi các công binh hồi hương kể về sự bất công trong chế độ hưu bổng, mà tác giả cố tình bởi mục đích của phim, ngoài tố cáo chủ nghĩa thực dân là kêu đòi sự công bình.

Cảnh phục dựng trong phim

Một ám ảnh khác trong phim là âm nhạc. Thật khó hình dung sự đồng điệu khi nhìn thấy tên nhạc sĩ trẻ trên áp phích, nhưng hơn cả đồng điệu, nhạc Lê Cát Trọng Lý đã cộng hưởng kỳ lạ với tác phẩm, đặc biệt cuối phim, sau tiếng reo mừng chiến thắng, khi bài Hương lạc với âm điệu hơi hướm chầu văn – Em sinh ra lạc thời. Em đi hoang lạc đàn. Em giam thân lạc loài… – cất lên trên nền những chân dung khuyết danh mang số hiệu, thì tôi tin có nhiều người muốn khóc. Phải chăng, thông qua âm nhạc tươi sáng của Lê Cát Trọng Lý, Lê Lâm muốn đưa thêm vào phim cảm xúc của thế hệ hôm nay khi nhìn về hôm qua?

Không chỉ âm nhạc, rất nhiều thứ không ăn nhập nhau đã được Lê Lâm trộn lẫn trong phim một cách thông minh để tạo ra xúc cảm. Phải chăng bởi Lê Lâm đã làm phim này, như anh nói, bằng trái tim của đứa con Việt Nam, rằng đối với anh đây là một trong những bộ phim riêng tư nhất, là thừa kế mà anh muốn để lại cho con và thế hệ đi sau. Và do vậy, Công Binh, la longue nuit indochinoise đã đi đến trái tim người xem một cách ngọt ngào. Bằng điện ảnh, kẻ đưa đò ký ức Lê Lâm đi kiếm sự công bằng cho những con người, mà như báo La Provence đã viết nhân lễ vinh danh công binh ở Arles năm 2009: “Vâng, hạt gạo chúng ta ăn ngày hôm nay do những người này tạo ra. Lịch sử không phải lúc nào cũng vui. Đã đến lúc Camargue phải bổ sung lịch sử của nó, để có thể đối mặt sáng suốt với quá khứ mà không hổ thẹn”.

V.L (Tháng 12-2012)

 

(*)Công Binh, la longue nuit indochinoise, sản xuất ADR, giải giám khảo liên hoan phim Amiens và Pessac 2012. Phát hành 30-1-2013.

Việt Linh

Exit mobile version