“Không chịu học hành, sau này chắc mày chạy xe ôm mà sống” – bà hàng xóm nhà tôi mắng con. Thằng nhỏ 14 tuổi gân cổ cãi lại mẹ: “Sao lại chạy xe ôm, má yên tâm, con làm thám tử!”. Một ngày đẹp trời, tôi hỏi cậu nhóc: “Sao em lại thích làm thám tử, bộ làm thám tử thì không cần học à?”. Thằng nhỏ được dịp cởi tấm lòng: “Chỉ cần coi phim là làm được thám tử ngay mà. Làm thám tử oai lắm, lại dễ kiếm tiền nữa”. Thám tử xứ người Sherlock Holmes thì ai cũng biết, còn ở xứ mình thì sao nhỉ? Tôi cũng tò mò, chưa biết có hay không nghề thám tử tại thành phố này nên thử “điều nghiên” xem sao. Chỉ vài cú nhấp chuột, tôi đã biết đây là nghề “chui”, tức là chưa được pháp luật chính thức thừa nhận. Mặc dù vậy, trên thực tế, dịch vụ thám tử tư vẫn “ăn nên làm ra”, ngày càng phát triển nhờ bắt đúng nhu cầu thực tế của xã hội, tập trung nhiều nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Không chần chừ, tôi gọi đến một số máy điện thoại để gặp thám tử và nhờ đó, câu chuyện về nghề thám tử dần hé lộ nhiều cung bậc, sắc màu vui buồn…
Thám tử: anh là ai?
Hẳn nhiều người cũng thắc mắc rằng nếu không được pháp luật cho phép, không có trường lớp đào tạo thì thám tử họ là ai, ở đâu ra? Qua những lần la cà tìm hiểu công việc đặc biệt này, chúng tôi đã có dịp chuyện trò cùng nhiều thám tử có nguồn gốc xuất thân rất khác nhau. Có thể đó là anh bộ đội xuất ngũ, là kỹ sư tin học, sinh viên, thậm chí là nhà xã hội học, tâm lý học… Cũng có người là dân tay ngang, đang thất nghiệp, được rủ rê… nên vào nghề luôn. Dù thiết bị hiện đại như máy quay phim, máy ghi âm, máy ảnh cũng hỗ trợ đắc lực các thám tử trong công việc, nhưng cái chốt của thành công vẫn là kinh nghiệm điều tra và phản ứng mau lẹ, chính xác của thám tử.
Thám tử Phương đang theo dõi vụ điều tra hàng giả, tai nghe điện thoại mà mắt cũng phải quan sát cao độ mọi động tĩnh của đối tượng trong tầm ngắm
Tại Việt Nam, đến thời điểm này pháp luật quy định điều tra là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, vậy nên công việc thám tử được thực hiện dưới hình thức giấy phép công ty điều tra, cung cấp dịch vụ thông tin. Đây là công việc nhạy cảm về nhiều mặt, chỉ cần hơi “quá đà” là có thể vướng vào các quy định cấm như xâm phạm bí mật đời tư, bí mật kinh doanh… Tuy vậy, theo các công ty có dịch vụ điều tra, thu thập thông tin dân sự, nhu cầu thám tử tư hiện nay khá cao. Phạm vi hoạt động của nghề thám tử cũng tương đối rộng, từ năm 2005-2006 về trước đã có đến 90% khách hàng tìm đến dịch vụ thám tử chỉ để nhờ điều tra về những vấn đề liên quan đến gia đình, nhất là tìm chứng cứ ngoại tình của chồng (hoặc vợ) hoặc tìm kiếm người già bị đi lạc, con cái bỏ nhà, bỏ học… Hiện nay, nhu cầu này chiếm khoảng 50 – 60%. Nguyên nhân là cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, công việc thám tử cũng mở rộng hơn, khách hàng yêu cầu cả việc xác minh, truy tìm hàng giả, hàng nhái, xem xét tình hình đối tác, tìm người trốn nợ… “Đối với nghề thám tử, khó khăn, nguy hiểm là chuyện thường. Đây không chỉ đơn thuần là nghề kiếm sống, chúng tôi làm còn vì lòng đam mê nghề nghiệp. Giúp được nhiều người trút được gánh nặng lo âu là thấy vui sướng rồi” – Quốc Long, một thám tử dày dặn trong nghề đang làm việc cho một công ty thám tử có văn phòng ở quận 7 (TP.HCM) bày tỏ.
Để tiếp cận đối tượng, thám tử phải nhờ người quen làm bạn gái để tránh sự chú ý trong một vụ theo dõi đối tượng ngoại tình
Tuy không có trường lớp chính thức nào đào tạo chuyên môn, nhưng các thám tử đều có một số kỹ năng cần thiết phải biết như cách lập kịch bản cho từng sự việc, nhập vai, phản ứng nhanh với mọi biến cố, kiểm soát đối tượng khi tác nghiệp, kỹ năng thoát hiểm, trấn an, bảo vệ khách hàng, phân tích và phán đoán, điều tra, xác minh thông tin, nắm bắt tâm lý đối tượng, kỹ năng nhận dạng, nhận diện… “Có khi khách hàng đến nhờ thám tử nhưng vì nhiều lý do tế nhị, họ không cung cấp đầy đủ thông tin, hoặc thông tin rời rạc, buộc thám tử phải động não, phán đoán sự việc theo nhiều chiều hướng rồi lần lượt xử lý từng trường hợp. Dù mất thời gian nhưng chúng tôi phải kiên nhẫn, nếu nôn nóng có thể bị lộ, mất phương hướng” – thám tử Nguyên Cường (Trung tâm dịch vụ cung cấp thông tin Thám tử Việt) chia sẻ.
Thám tử chuẩn bị lên đường tác nghiệp, làm nhiệm vụ trong mưa
Bởi thế, nói thám tử giống như diễn viên cũng có phần đúng vì mỗi khi tiếp cận với đối tượng, thám tử phải nhập vai cho phù hợp, từ hình thức bên ngoài đến tính cách, kỹ năng xử lý công việc. Nhưng làm thám tử còn dễ gặp hiểm nguy hơn diễn viên vì họ không phải hợp tác với bạn diễn, mà phải đối đầu với những người có thể có phản ứng manh động nếu biết mình bị điều tra. Thám tử có thể vào bất cứ vai nào: khi là doanh nhân lịch thiệp đi tìm hiểu nhà phân phối sản phẩm, lúc lại là anh lao động từ quê lên thành phố tìm chuyến xuất ngoại mong đổi đời qua “cò”, có người hôm qua lạng lách xe máy như một dân chơi thứ thiệt để theo dấu một quý tử mê đua xe thì hôm nay đã chễm chệ ngồi ở vũ trường nốc rượu… Trong túi các thám tử lúc nào cũng ít nhất hai máy điện thoại liên tục bắt sóng, họ chỉ nghe tín hiệu là biết việc gì, công hay tư. Giám đốc một công ty làm dịch vụ thám tử ở quận Tân Bình (xin giấu tên) cho biết: “Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại thì từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội đều có nhiều chuyện phức tạp, rất khó kiểm soát hết, mà thường chỉ khi hết cách tự giải quyết, khách hàng mới tìm đến chúng tôi. Chẳng hạn cha mẹ quá bận bịu, con bỏ nhà đi mà tìm không thấy, báo công an thì cũng không đúng chức năng của họ. Lúc đó họ tìm đến thám tử để trút nỗi lòng và nhờ giúp đỡ”.
Thám tử Quân nhập vai xe ôm, đón lõng đối tượng cần theo dõi
Có những kinh nghiệm thuộc hàng nho nhỏ mà sau ba năm làm nghề thám tử, Lê Quân – trưởng văn phòng đại diện cho một công ty thám tử ở Hà Nội tại TP.HCM mới tích lũy được. Đó là khi theo dõi đối tượng, phải tùy từng hoàn cảnh mà ứng phó hợp lý. Lúc phải vào vai anh phục vụ nghe gọi một câu là lễ phép dạ, vâng để được khách VIP tin mà không đề phòng, khi lại trở thành thằng “đá cá lăn dưa” ở bến xe, góc chợ thì ăn nói bạt mạng. Nếu vào vai không chuẩn, lóng ngóng có khi còn bị ốm đòn do gặp phải dân giang hồ thứ thiệt. Trường hợp cần bám sát đối tượng đi xe máy thì phải hết sức tập trung quan sát, nếu đi đường vắng và nhỏ cần giữ khoảng cách đủ xa, nếu ở khoảng cách gần mà đối tượng bất chợt giảm tốc hoặc đột ngột dừng lại thì phải chạy xe qua mặt đối tượng để tránh bị nghi ngờ. Nếu theo dõi đối tượng đi ôtô thì phải biết được tầm quan sát qua gương chiếu hậu để tránh bị phát hiện. “Nghe thì đơn giản vậy, nhưng lúc mới vào nghề, chẳng ai chỉ bảo, cứ phải “lên bờ xuống ruộng” vài phen thì mới dần “ngộ” ra” – Lê Quân giải thích.
Trụ sở công ty thám tử có khi chỉ là một văn phòng nhỏ để giao dịch, vì mọi hoạt động của thám tử đều diễn ra bên ngoài
Thám tử Trung Thành theo đuổi nghề đã hơn bốn năm, động cơ chính là để thỏa mãn giấc mơ được hóa thân thành các nhân vật thám tử tài ba trong các truyện trinh thám mà anh ngưỡng mộ. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Thành học một lớp trung cấp về công nghệ thông tin. Vốn có năng khiếu và thích “vọc” máy, anh sớm trở thành thợ lành nghề, làm chủ một công ty nhỏ. Tưởng đã yên phận sống với nghề, vậy mà chỉ được một thời gian, Thành thấy… buồn! Tình cờ đọc được thông tin tuyển dụng thám tử trên báo, anh hăm hở nộp đơn. Mặc cho gia đình can ngăn, Thành vẫn bỏ việc đang làm để hành nghề thám tử. Không hiểu nổi công việc của con mình, mẹ anh luôn ca thán rằng nghề gì mà thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, cứ giống thằng chạy xe ôm! Thành cứ phải cười xòa “chịu trận”. Nhờ đầu óc nhạy bén, lại có thêm chuyên môn về tin học, anh từng phá được nhiều vụ khá gai góc và còn hỗ trợ thành công cho đồng nghiệp. Anh bày tỏ: “Không biết công việc này với tôi là nghề hay nghiệp nữa vì sự cố, tai nạn nghề nghiệp xảy ra khá thường xuyên, gia đình cũng không ủng hộ, thế nhưng mỗi khi hoàn thành công việc, niềm vui của khách hàng làm mình vui lây. Dù xã hội còn nghi ngại về nghề này nhưng tôi nghĩ không có công việc xấu, chỉ có thể có người làm việc với cái tâm không tốt mà thôi”. Có lẽ hoàn cảnh và suy nghĩ của anh Thành cũng là của nhiều người đang làm công việc thám tử nên dù khó khăn, họ vẫn bám trụ với nghề.
Muôn mặt khách hàng
Luồn lách qua rừng xe cộ, thám tử Duy Phương bám theo đối tượng là một cặp tình nhân “ngoài vợ ngoài chồng” còn khá trẻ. Vài lần bị mất dấu, anh phải điện thoại liên lạc với những thành viên khác trong nhóm, đón lõng đối tượng tại địa điểm dự kiến. Chỉ khi thấy bóng đối tượng đang tiến về phía khách sạn, anh mới thở phào nhẹ nhõm, đàng hoàng trong vai khách thuê phòng để bám sát đối tượng. Đó chỉ là lần tác nghiệp an toàn của Duy Phương trong vụ việc tương đối dễ. Nguyên Cường cũng nhận vụ theo dõi vụ ngoại tình của người chồng theo yêu cầu của một khách hàng nữ, nhưng trường hợp này gian nan hơn, bởi đối tượng là một tay có “số má”, trùm cá độ kiêm cho vay, có đàn em hộ tống kỹ lưỡng. Đối tượng rất tinh, biết vợ cho người theo dõi nên rất cảnh giác, tìm mọi cách “cắt đuôi” khiến anh Cường cứ phải đổi chiến thuật liên miên. Cuối cùng, anh cũng thu thập được bằng chứng của ông chồng thích “cỏ non”. Bà vợ cảm ơn thám tử mà nước mắt ngắn dài làm anh vừa mừng vì giải quyết xong sự việc, vừa buồn giùm cho thân chủ. “Trước đây đối tượng ngoại tình thường đã cứng tuổi, có sự nghiệp, địa vị, nhưng vài năm trở lại đây, chúng tôi đã nhiều lần được nhờ theo dõi các đấng mày râu trẻ hơn, ở độ tuổi 30-40. Việc theo dõi, lấy chứng cớ trước kia khá dễ, còn bây giờ người ta đề phòng cao độ nên việc săn lùng bằng chứng khó hơn nhiều” – Nguyên Cường nhìn nhận.
Thám tử Nguyên Cường đang tư vấn cho khách hàng
“Một công ty sản xuất đồ thể thao của một thương hiệu lớn từng là khách hàng của chúng tôi. Đó là một trường hợp khó mà khi nhận, tôi mới thấy đó là quyết định thử sức khá nặng. Cũng may là lần đó chúng tôi thành công, không chỉ giúp được thân chủ mà các thám tử cũng có thêm kinh nghiệm quý” – Giám đốc Trung tâm Thám tử Việt cho biết. Dù công ty có bảo vệ kiểm soát gắt gao, có đặt camera ở khắp các xưởng nhưng vẫn bị mất cắp hàng mẫu khá nhiều trong thời gian dài mà không phát hiện được nên chủ công ty tìm đến dịch vụ thám tử. Nhận việc với hợp đồng trong một tháng, nếu không tìm ra manh mối thì trung tâm sẽ từ chối điều tra. Vụ này trung tâm phải huy động nhiều thám tử vào vai công nhân để trà trộn vào các xưởng, bố trí cả người chạy xe ôm trước cổng nhà máy để tiếp cận đối tượng khả nghi. Tuy lần ra manh mối nhưng phải sau ba tháng, các thám tử mới phanh phui được “dây chuyền trộm” cùng cách thức mang hàng ra ngoài tiêu thụ để kết thúc vụ việc. Khi đó, một thám tử phải vào vai người có nhu cầu mua hàng để tiếp cận đối tượng, đồng thời cung cấp mọi thông tin bằng chứng cho khách hàng. Trước chứng cớ có được, công ty thân chủ đã mời công an đến bắt tại trận khi thủ phạm đang giao hàng đánh cắp của công ty cho khách hàng chính là thám tử. Khi được biết vụ việc do thám tử điều tra phát hiện, các anh công an đã ngạc nhiên: “Sao thám tử đa năng đến thế!”.
Có thám tử “ăn dầm nằm dề” trong khách sạn đến sạch tiền mà vẫn không thể chụp được bức ảnh một quý ông đi “ăn vụng” quá khéo. Có những vụ ngoại tình mà khi khám phá, cả thân chủ và thám tử đều rất ngỡ ngàng, chẳng thể ngờ đó là sự thật, chẳng hạn chồng cặp bồ với một người đồng tính hay cô bồ lại chính là em hay cháu của vợ. Khi điều tra được các thông tin này, thám tử kiêm luôn việc của chuyên viên tư vấn, làm công tác tư tưởng, biện pháp tâm lý cho thân chủ bớt sốc.
Thời kinh tế thị trường và nỗi niềm thám tử
Do tính chất và yêu cầu công việc tương đối đặc thù nên chi phí thuê thám tử ở mức khá cao, khoảng trên dưới một triệu đồng một ngày. Dù thời buổi kinh tế khó khăn nhưng giá thuê dịch vụ thám tử không thay đổi là bao. Cũng bởi khó khăn mà nhiều doanh nghiệp phải tìm hiểu đối tác thật kỹ nên dịch vụ thám tử càng có đất dụng võ. Trong hoàn cảnh đó, giữa các công ty thám tử cũng có sự cạnh tranh khá gay gắt. Phổ biến nhất là chiêu quảng cáo giá rẻ, lập lờ giữa các khoản chi phí để câu khách, làm khách không biết thực hư ra sao. Giám đốc một công ty dịch vụ thám tử ở quận Bình Thạnh kể rằng công ty anh mỗi tháng nhận được khoảng chục lời đề nghị theo dõi, tìm người thân, đối thủ… Tuy vậy, không phải việc nào công ty cũng nhận, mà phải xem xét thật kỹ vụ việc có vi phạm luật pháp hay không. Xem ra, lằn ranh giữa hợp pháp và phi pháp trong những vụ việc này rất mong manh, chỉ cần yếu tay nghề hoặc vì được trả giá cao thì rất có thể rơi vào tình trạng làm ăn phi pháp. Cách đây không lâu, có khách là nữ Việt kiều Mỹ tìm đến công ty của anh yêu cầu tìm tình nhân của chồng chỉ duy nhất từ một số điện thoại. Sau khi nhận lời và tìm ra đối tượng, biết tình nhân có con riêng với chồng, đứa bé đã được năm tuổi, vị khách này lại tiếp tục có yêu cầu là thủ tiêu đứa bé vì sợ phải chia tài sản. Trước yêu cầu phạm pháp và không chính đáng này, thám tử Văn Vũ đã phải thuyết phục khách hãy dừng lại hành động này, tìm cách hợp tình, hợp lý hơn để giải quyết ổn thỏa vụ việc mà vẫn giữ được chồng. Sau khi bình tĩnh lại, vị khách trên đã trở về Mỹ, bỏ ý định nhẫn tâm trên. Lại có trường hợp biết chồng cặp bồ với gái vũ trường, có bà đã thuê thám tử tạt axit nhằm hủy hoại nhan sắc của kẻ cướp chồng. Thám tử chờ bà “hạ hỏa” rồi từ tốn giải thích để khách hiểu không được làm việc phạm pháp.
Một số thiết bị cần thiết hỗ trợ cho công việc thám tử
Có những chuyện dở khóc dở cười từ dịch vụ thám tử. Việc “ăn cả hai mang” điển hình là khi tìm hiểu được thông tin người chồng ngoại tình thì vừa lấy thù lao từ khách hàng là người vợ, lại sử dụng chứng cớ có được để uy hiếp, tống tiền người chồng. Tương tự, có thám tử lấy được thông tin của đối tác kinh doanh để cung cấp cho khách hàng, vừa quay lại tống tiền doanh nghiệp… Theo lời thám tử Nguyên Cường, những trường hợp như vậy không nhiều, chỉ là “con sâu làm sầu nồi canh” vì làm ăn nghề nào cũng phải giữ chữ tín. Một khi phát hiện nhân viên nào không trung thực, dù có giỏi nghề thì các công ty dịch vụ thám tử cũng phải buộc cho người ấy nghỉ việc. Mà với vết đen như thế thì thám tử “sâu” khó có thể làm được việc ở công ty khác. Còn tai nạn nghề nghiệp với thám tử thì nhẹ là trầy xước tay chân do đo đường vì phải bám theo đối tượng trong mọi địa hình, nặng thì có thể bị đánh dằn mặt vì “xía vô chuyện người khác”! Chuyện người yêu hiểu lầm vì quên ngày sinh nhật, ngày lễ, vợ cằn nhằn chồng vì bỏ đón con, hay vợ nổi ghen vì bỗng dưng thấy chồng chải chuốt thơm tho là rất thường tình.
Cách ghi lại bằng chứng của thám tử
Hiện nay, TP.HCM và Hà Nội đã có nhiều công ty dịch vụ thám tử, một số công ty Hà Nội có chi nhánh tại TP.HCM và ngược lại. Ở TP.HCM, hiện có khoảng 15 công ty có dịch vụ cung cấp thông tin và điều tra, tập trung ở các quận 1, Tân Bình, Bình Thạnh, thêm vài văn phòng ở quận 4, quận 7. Tuy nhiên, những người làm nghề thám tử vẫn chịu mang tiếng “chui”, không dám tự hào khi giới thiệu về công việc của mình. Anh Nguyên Cường bày tỏ: “Tôi mong luật pháp sẽ xem xét, điều chỉnh, cho phép các công ty dịch vụ thám tử hoạt động công khai với những điều kiện có giới hạn rõ ràng. Được như vậy việc đào tạo, huấn luyện nhân lực, hành nghề sẽ thuận lợi hơn”.