Đây là phát biểu của ông Nguyễn Anh Tuấn – Đồng sáng lập và Tổng Giám Đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum tại tọa đàm “Từ Lãnh đạo tỉnh thức đến Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” được Cộng đồng Nhà Lãnh đạo Tỉnh thức (CĐNLĐTT) và Trường Đại Học Fulbright Việt Nam tổ chức tại trường Đại Học Fulbright Việt Nam vào ngày 17/01/2024.
“Từ Lãnh đạo tỉnh thức đến Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” thuộc chuỗi tọa đàm truyền cảm hứng và lan tỏa; giúp nâng cao nhận thức về ý nghĩa của sự thực hành tỉnh thức hay phát triển năng lực lãnh đạo tầm nhìn trong Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu trong cộng đồng lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Toạ đàm có sự tham gia của hơn 200 CEO và các diễn giả tâm huyết gồm Ông Nguyễn Anh Tuấn – Đồng sáng lập và Tổng Giám Đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum; Ông Nguyễn Nam – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Đại học Fulbright; Ông Lê Bá Thông – Chủ tịch Cộng đồng Nhà Lãnh đạo Tỉnh thức; Ông Đàm Đức Anh – Chủ tịch CLB Sống Thiền và Bà Trần Thu Hương – Thành viên Hội đồng Tín thác Trường ĐH Fulbright, Giám đốc Chiến lược, Giám đốc Khối bán lẻ, Ngân hàng Quốc tế VIB.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn – Đồng sáng lập và Tổng Giám Đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum giới thiệu về Sáng kiến Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo được Diễn đàn Toàn cầu Boston khởi động nhằm xây dựng một mô hình xã hội ứng dụng AI an toàn, nhân ái, trung thực, tốt đẹp. Sáng kiến đã được Dự án Liên hợp quốc 2045 chọn làm nền tảng cho các cuộc đối thoại, thực hành triển khai những ý tưởng để định hình tương lai của thế giới.
Ông Anh Tuấn nêu thực tế rằng những mô hình phát triển trước đây đã đúng, đã thành công, đến nay không còn đúng nữa. Do vậy, thế giới buộc phải có mô hình phát triển mới. Đây là đề tài các quốc gia đang tranh luận hết sức sôi nổi. Sáng kiến của Boston với việc dùng AI hoạch định một mô hình xã hội tốt đẹp hơn thông qua việc kết hợp nhân cách, văn hóa, giá trị trong bộ óc của con người cùng với hệ thống tính toán của AI là một trong những cách góp sức xây dựng mô hình phát triển mới cho thế giới.
Ông Nguyễn Nam – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Đại học Fulbright lưu ý rằng trong bối cảnh kết nối toàn cầu ngày nay, vấn đề nhận diện căn tính dân tộc là một điều cấp thiết, giúp chúng ta thích nghi và đáp ứng với thời đại, để hòa nhập mà không hòa tan. Đồng thời, sự tỉnh thức đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, tạo ra sự hài hòa giữa căn tính cá nhân và căn tính dân tộc, từ đó hình thành một văn hóa doanh nghiệp mang tính đặc thù, thể hiện được bản sắc và đáp ứng được nhu cầu của đơn vị do mình lãnh đạo.
Ông Lê Bá Thông – Chủ tịch Cộng đồng Nhà Lãnh đạo Tỉnh thức cho biết hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa rất đặc biệt khi công nghệ, nhất là công nghệ AI đã khiến thế giới trở nên “phẳng” hơn và nhờ đó chúng ta được đặt ở cùng vạch xuất phát với các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta còn có ưu điểm quan trọng khi tiếp cận với công nghệ ở kỷ nguyên mới nhờ nằm trong cái nôi của nền triết học phương Đông, hướng đến sự tỉnh thức và những giá trị bên trong mỗi con người. “Điều chúng ta cần làm hiện nay là cùng chung tay tìm ra những giá trị cốt lõi, những kiến thức, khai phá để giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng với việc thực hành tỉnh thức có thể vươn tới giá trị toàn cầu”, ông Thông nói.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng chia sẻ nhiều góc nhìn về những giá trị cốt lõi và những sáng kiến để góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương, an ninh và hạnh phúc.
Nhân sự kiện, CĐNLĐTT phối hợp với Diễn đàn Boston Toàn Cầu đã công bố khai mở chương trình học tập và trải nghiệm 10 ngày tại Mỹ dành cho lãnh đạo, doanh nhân muốn đóng góp sáng kiến của mình trong Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu. Đây là cơ hội học hỏi và trao đổi về Lãnh đạo Xã hội Trí Tuệ Nhân tạo cùng các giáo sư, giảng viên của trường Đại Học Harvard và MIT. Ngoài ra, người tham gia sẽ được trải nghiệm và cùng thực hành Tỉnh thức tại Bích Nham (New York).