Rolls-Royce Motor Cars đã ghi dấu thêm một chương trong câu chuyện dài của mình bằng lễ kỷ niệm 118 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà sáng lập, Henry Royce và Charles Stewart Rolls tại khách sạn Midland, Manchester, Anh Quốc vào năm 1904.
Sau khi Royce – vị thiên tài kỹ thuật bắt tay với Rolls – nhà kinh doanh tài năng, công ty của họ sớm được công nhận là nhà chế tác ‘chiếc xe hơi tốt nhất trên thế giới’ – một danh hiệu mà Rolls-Royce Motor Cars vẫn tự hào nắm giữ hơn một thế kỷ sau đó.
Ngày nay, sản phẩm đỉnh chóp của thương hiệu – Phantom – là một tuyên ngôn đỉnh cao cho lối sống sang trọng Bespoke, được thiết kế và chế tác thủ công tại trụ sở Home of Rolls-Royce, ở Goodwood. Là một phần của chuỗi sự kiện được tổ chức hàng năm, nơi hãng suy ngẫm về nguồn gốc và di sản độc đáo của mình, Rolls-Royce đã nhìn lại các thế hệ Phantom, khám phá cách tên của dòng xe đã biến đổi trong những năm qua để duy trì vị thế đỉnh cao của dịch vụ Rolls-Royce.
Nguồn gốc của khả năng ưu việt
Trong thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất ô tô hạng sang chỉ sản xuất các thành phần cơ khí (động cơ, hộp số, khung gầm, v.v.), còn được gọi là khung xe lăn (rolling chassis) – nền tảng cho một chiếc xe ô tô động cơ. Phần thân xe được thiết kế và thực hiện bởi các nghệ nhân coachbuild độc lập theo yêu cầu đặc điểm kỹ thuật của khách hàng.
Về phía các nhà sản xuất, bao gồm cả Rolls-Royce, những cải tiến về thiết kế và kỹ thuật hầu như tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật của hiệu suất xe. Chúng bao gồm độ bền và độ tin cậy, khả năng leo dốc, mức độ dễ dàng điều khiển và một loạt các thuộc tính cơ bản thể hiện chất lượng xe, bao gồm tiếng ồn, độ rung và độ xóc rung động của thân xe (NVH).
Ngay từ những ngày đầu, Phantom đã giành được danh hiệu ‘chiếc xe hơi tốt nhất thế giới’ nhờ chất lượng và thiết kế vượt trội của khung gầm – là nền tảng tốt nhất mà dựa vào đó, những nghệ nhân coachbuild có thể đạt đến đỉnh cao của tay nghề.
Thiết lập lại những giới hạn về mặt kỹ thuật
Gia đình Phantom ra đời vào năm 1925 khi Rolls-Royce tung ra mẫu Phantom I. Với mô-men xoắn cực đại, công nghệ tiên tiến và hệ thống treo ‘Magic Carpet Ride’ mang đến trải nghiệm lướt đi êm ái, mẫu xe mới đã ngay lập tức thiết lập những tính năng cơ bản, là đặc trưng cho dòng xe này ở những thế hệ tiếp theo trong 100 năm kế tiếp. Về sau, như thời đại hiện nay, Rolls-Royce đã không nghỉ ngơi trên những vinh quang của mình, và đến năm 1929, người kế nhiệm của gia đình đã sẵn sàng xuất hiện trên thị trường.
Phantom II đại diện cho một bước ngoặt khác trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Năm 1930, công ty trình làng Phantom II Continental, mang đến cho khách hàng một mẫu xe có định hướng thiên về hiệu suất hơn cho những cá nhân thích tự mình cầm lái. Phiên bản xe ‘tiêu chuẩn’ với trục cơ sở dài hơn vẫn được tiếp tục giữ lại để sử dụng cho trải nghiệm chauffeur (lái bởi tài xế riêng). Điều này đã tạo nên tiền lệ cho Phantom và Phantom Extended ngày nay.
Yêu cầu về tốc độ
Mặc dù phiên bản Continental mới có thể đạt tốc độ lên đến 95mph, chiếc xe vẫn không chạy nhanh bằng một số dòng xe đối thủ. Công ty đã quyết định tìm ra cách giải quyết triệt để cho vấn đề này. Vào năm 1934, áp dụng kinh nghiệm đã được thử nghiệm trên động cơ aero, nhà hiệu đã phát triển một động cơ V12 7,3 lít mới, đặt trên một khung gầm mới. Kết quả là Phantom III, khi được trang bị thân xe trọng lượng nhẹ, có khả năng tốc độ vượt quá 100 km / h.
Năm 1939, Rolls-Royce đã sản xuất một chiếc xe thử nghiệm, có biệt danh là ‘The Scalded Cat’. Trong những năm sau đó, chiếc xe này thường được thuê bởi những cá nhân có tầm ảnh hưởng, bao gồm cả Hoàng tế Philip, Công tước xứ Edinburgh. Công tước vô cùng ấn tượng với chiếc xe này, đến mức mà ông đã thuyết phục Rolls-Royce chế tạo cho mình một phiên bản trang trọng hơn; và thương hiệu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chiếc Phantom IV đầu tiên, được bàn giao vào tháng 7 năm 1950. Chiếc xe hiện vẫn được giao nhiệm vụ ở vị trí tuyến đầu (mặc dù đã giảm bớt cường độ) tại The Royal Mews, dưới bí danh đã có từ trước khi giao hàng – Maharajah. Mặc dù theo dự định ban đầu, chỉ có một chiếc duy nhất được sản xuất, thực tế hãng đã chế tác 18 chiếc Phantom IV. Trong đó, 17 chiếc được đặt làm cho các hoàng gia và nguyên thủ quốc gia khác; chiếc còn lại có nguồn gốc hơi kỳ lạ, được chế tạo như một chiếc xe bán tải để Rolls-Royce sử dụng làm phương tiện vận tải và thực hiện những bài thử nghiệm các bộ phận khi chạy trên đường.
Thời kỳ hưng thịnh cuối cùng
Năm 1959, thương hiệu ra mắt thế hệ Phantom V, được trang bị động cơ V8 hiện đại nhất của hãng. Vào năm 1967, chiếc xe đã trải qua những thay đổi tinh tế về mặt kỹ thuật và nhờ đó, được công nhận vào phút chót là đủ điều kiện để xứng với tên gọi Phantom VI sau khi được thiết kế lại.
Đến năm 1968, xưởng coachbuild đích thực và duy nhất còn tồn tại ở Anh Quốc là công ty nội bộ của chính Rolls-Royce, Mulliner Park Ward. Những chiếc xe tuyệt đẹp này vẫn tiếp tục được bán ra mặc cho vô vàn khó khăn vào thời kỳ những năm 1980, cho đến khi sản lượng giảm xuống chỉ còn hai hoặc ba chiếc một năm, và cuối cùng ngừng sản xuất hoàn toàn vào năm 1992.
Hiện thực hoá những ước mơ
Mọi thế hệ cho đến Phantom VI về cơ bản đều sử dụng khung xe lăn. Các thân xe được chế tác theo yêu cầu riêng của chủ sở hữu bởi một số tên tuổi nổi tiếng và uy tín nhất trong lĩnh vực nghệ thuật coachbuild của Anh Quốc và Châu Âu.
Mặc dù đây là một đặc điểm phổ biến trong thế giới xe hơi hạng sang, Phantom đã trở nên nổi bật bởi khả năng của nó – nhờ vào kỹ thuật thiên tài của Royce và chất lượng vượt trội của các bộ phận và cấu trúc khung xe, nền tảng này có thể chống đỡ những thân xe có chất lượng, trọng lượng và độ phức tạp tốt nhất.
Ở mọi giai đoạn phát triển của Phantom, chủ sở hữu đã khai thác tối đa tiềm năng của nó, tạo ra một số chiếc xe hơi động cơ hoành tráng, bắt mắt và cấp tiến nhất từng xuất hiện trên đường phố. Và vì phần khung và thân xe tách rời nhau, chủ sở hữu tiếp theo có thể thay đổi diện mạo của chiếc xe cho phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ.
Nhiều chiếc Phantom khoác lên mình hơn một lớp vỏ trong vòng đời lâu dài, chạy rong ruổi trên khắp thế giới của chúng. Một số chiếc xe chỉ được sơn lại, nhưng trong các trường hợp khác, toàn bộ chiếc xe đã được thiết kế lại từ khung xe trở lên, tái sinh dưới một hình thức khác và mang đặc điểm hoàn toàn mới lạ. Với tất cả những đa dạng phi thường đó, từng phiên bản cụ thể được nêu dưới đây đều là một chiếc Rolls-Royce đích thực về mặt kỹ thuật cơ bản, vật liệu, cấu tạo, hiệu suất, chất lượng cũng như sự thoải mái của trải nghiệm xe, và trên hết cả là đáp ứng chính xác mong muốn của vị chủ sở hữu.
Phantom II 1930 (62GY)
Chiếc Phantom II tuyệt đẹp này được coachbuild bởi Hooper of London với phần thân xe kiểu Dual Cowl Tourer. Theo yêu cầu của chủ sở hữu, vốn là một thương gia buôn gỗ giàu có ở vùng Texas, 50 chi tiết đã được bổ sung nhằm mang đến một diện mạo xe phù hợp cho mục đích du lịch. Những tuỳ biến này bao gồm một bình xăng lớn hơn, nắp ca-pô lớn hơn và bộ tản nhiệt cao hơn 2 inch so với tiêu chuẩn. Chiếc xe ban đầu được mua để dùng trong tuần trăng mật của chủ sở hữu, và về sau tiếp tục đi du lịch khắp các lục địa cho đến năm 1939. Chủ sở hữu hiện tại đã mua lại chiếc xe vào năm 1998 và từ đó đã giành được các giải thưởng danh giá bao gồm giải Louis Vuitton Classic Parfums Givenchy Trophy dành cho phân khúc xe tourer sản xuất từ trước chiến tranh và giải Most Sporting Tourer tại cuộc thi Biarritz Concours.
Phantom II Continental 1933 (55MW)
Kiểu dáng ‘boat body độc đáo’ này mang phong cách đặc trưng của bậc thầy coachbuild Park Ward. Đặc điểm chính của nó là chi tiết mui gấp nhỏ gọn, có thể được giấu trọn vẹn bên dưới boong phía sau khi được thu lại hoàn toàn, nhờ vậy tạo nên đường nét liền mạch, không đứt đoạn đặc trưng cho phần thân xe. Chiếc xe nguyên bản có phần nội thất được bọc lớp da lợn thô.
Phantom Ill 1933 (3BT103)
Chiếc sedanca coupé hai cửa hiếm hoi được HJ Mulliner chế tác dành riêng cho Apsley Cherry-Garrard, một trong những thành viên sống sót trong chuyến thám hiểm định mệnh đến Nam Cực của Thuyền trưởng Scott vào năm 1912. Chiếc xe ban đầu được hoàn thiện với màu sơn Primrose Yellow và lớp bọc da Vaulmol nhuộm màu cho phần nội thất; vào cuối những năm 1940 nó được sơn lại thành màu đen. Chiếc xe từng được sở hữu bởi nam diễn viên huyền thoại Ralph Richardson trong một thời gian ngắn; sau đó nó dành một khoảng thời gian ở Wales và Hoa Kỳ trước khi quay trở lại Vương quốc Anh vào cuối những năm 70 / đầu những năm 80. Chiếc xe đã bị bỏ quên trong một nhà kho cho đến năm 2018, khi được chủ sở hữu hiện tại mua lại. Hiện dáng vẻ ban đầu của chiếc xe đã được dần dần khôi phục lại bằng cách sử dụng nhiều phụ tùng chính hãng, bao gồm cả các bộ phận động cơ được đánh số nguyên bản.
Phantom III 1937 (3BT85)
Công ty coachbuild Hooper & Co ở London đã chế tác nhiều thân xe mang phong cách saloon-with-split nổi bật này, một kiểu dáng tạo cảm giác vượt trội về tốc độ ngay cả khi đứng yên nhờ thiết kế phần đuôi xe nhọn với những đường cong vút mắt. Các đường viền mạ chrome trang trí nghệ thuật cho thân và cánh xe đã làm tăng thêm cảm giác về tính động lực học.
Phantom V 1965 (5VD63)
Chiếc Phantom này ban đầu thuộc sở hữu của Chỉ huy Cánh Patrick Barthropp. Năm 1968, John Lennon đã mua lại chiếc xe từ Barthropp cùng thời điểm ra mắt White Album của The Beatles. Tháng 9 năm 1969, ông đã bán chiếc xe cho Allen Klein, một doanh nhân người Mỹ.
Chiếc xe đã từng xuất hiện trong bộ phim đoạt giải Oscar – Georgy Girl (1966), bộ phim kinh điển Let It Be (1970) (với sự tham gia của The Beatles), Performance (1970) (có Mick Jagger góp mặt), và sau đó là màn xuất hiện nổi bật trong The Greek Tycoon (1978) (với sự tham gia của Anthony Quinn).
Vào năm 2016, sau một cuộc đại trùng tu, Jody Klein, một thành viên lâu năm của Câu lạc bộ những người đam mê Rolls-Royce (Rolls-Royce Enthusiasts’ Club) đã mang chiếc xe đến cuộc thi Concurs d’Elegance, Lincolnshire, nơi nó được trao giải nhất cho giải “Best In Class”.
Chiếc xe hiện đang cư trú tại Vương quốc Anh.
Phantom VI 1966 (5LVF65)
James Young, được thành lập vào năm 1863, nổi tiếng vì đã tạo ra một số kiểu dáng thân xe thanh lịch nhất từng làm duyên dáng cho phần khung gầm xe hơi động cơ. Có lẽ, đỉnh cao thành tựu của họ đã được hiện thực hóa trong thiết kế PV23, được phát triển đặc biệt cho khung gầm Rolls-Royce Phantom V. Có tới 22 thân xe mang phong cách như vậy đã được chế tạo.
Mô hình này thường được hoàn thiện bằng màu đen, nhưng đối với phiên bản 5LVF65, một tông màu sáng hơn của màu Ngà càng làm tăng thêm vẻ sang trọng cổ điển của từng đường cong và đường nét từ ngòi bút của nhà thiết kế nổi tiếng A. F. McNeil.
Nội thất có phần khoang phía sau vô cùng rộng rãi, một chiếc tủ cabinet có chất lượng tuyệt hảo được đặt bên dưới dải kính ngăn cách khoang. Thay vì tấm phủ da với màu sắc tương tự và độ đàn hồi cao mà các tài xế thường ưa thích, lớp vải champagne được chọn để trang trí khu vực khoang sau nhằm tạo sự thoải mái hơn cho hành khách.
Phantom VII 2015 (Serenity Phantom)
Rolls-Royce đã tạo ra chiếc Phantom VII Extended hoành tráng này để trưng bày tại Geneva Motor Show 2015. Lấy cảm hứng từ những chiếc xe hơi sang trọng được sản xuất cho hoàng gia trên khắp thế giới vào đầu những năm 1900, khoang hành khách phía sau được hoàn thiện bằng lụa thô màu Smoke Green độc đáo, được dệt thủ công và trang trí bằng các họa tiết hoa Chinoiserie thêu và sơn bằng tay mà phải mất tới 600 giờ để hoàn thành. Thiết kế này cũng xuất hiện trên bảng táp-lô, trong các lớp khảm ở cửa sau. Các chi tiết bằng tre và gỗ anh đào hun khói, cũng như các trang trí gợi nhớ đến hình ảnh bãi đá cuội trong các khu vườn Nhật Bản đã hoàn thiện bầu không khí yên tĩnh, đầy hơi thở tự nhiên của khoang nội thất. Vào thời điểm chiếc xe này được chế tác, lớp sơn xà cừ dùng cho thiết kế ngoại thất là lớp sơn phức tạp và đắt tiền nhất mà hãng từng sản xuất.
Phantom VIII 2021 (Phantom Oribe)
Cuộc hợp tác độc đáo đã chứng kiến hai nhà hiệu Rolls-Royce và Hermès đồng chế tạo ra một chiếc Phantom Bespoke độc nhất vô nhi cho doanh nhân Yusaku Maezawa người Nhật Bản. Được đặt tên là Phantom Oribe, chiếc xe có lớp hoàn thiện bên ngoài là sự kết hợp của hai tông màu Bespoke, lấy cảm hứng từ bộ sưu tập gốm sứ Nhật Bản cổ đại, mang tầm đẳng cấp thế giới mà khách hàng sở hữu – đồ gốm Oribe. Với sản phẩm này, Rolls-Royce đã dành một sự ưu ái đặc biệt khi cung cấp màu sơn Bespoke để Maezawa khoác lên ngoại thất chiếc máy bay phản lực cá nhân của ông.Nội thất được hoàn thiện chủ yếu bằng da Hermès Enea Green. Không gian trưng bày The Gallery mang đến một tác phẩm nghệ thuật dựa trên thiết kế của nghệ sĩ và họa sĩ minh họa nổi tiếng người Pháp – Pierre Péron (1905–1988), người đã tạo ra nhiều chiếc khăn quàng cổ mang tính biểu tượng của Hermès
Sự tái sinh của một biểu tượng
Lúc 00 giờ 01 phút ngày 1 tháng 1 năm 2003, chiếc Phantom VII đầu tiên đã được bàn giao cho chủ nhân mới. Đây cũng là chiếc xe ô tô động cơ đầu tiên được sản xuất tại ngôi nhà mới Home of Rolls-Royce ở Goodwood, West Sussex, Anh Quốc. Là hiện thân cho một cách diễn giải hoàn toàn hiện đại về các đường nét và tỷ lệ đặc trưng của thương hiệu, như triết lý thuở ban đầu mà đích thân Ngài Henry Royce đã đặt ra, quá trình chế tác chiếc xe được Rolls-Royce thực hiện hoàn toàn trong nhà, có thân xe được thiết kế liền khối theo một mẫu tiêu chuẩn thay vì được tuỳ biến coachbuild. Tuy nhiên, về mặt ý nghĩa, hãng xe vẫn giữ được mối liên kết với di sản của mình. Mỗi chiếc xe đều được đích thân chế tạo bởi một đội ngũ thợ thủ công lành nghề. Hơn nữa, chương trình Bespoke của thương hiệu cũng mang đến cơ hội cho các vị khách hiện thực hóa tầm nhìn và mong muốn cá nhân của họ trên tấm bạt Phantom.
Trong suốt vòng đời dài 13 năm của mình, Phantom VII đã khẳng định vị thế của Rolls-Royce là nhà sản xuất xe hơi siêu sang hàng đầu thế giới, đồng thời duy trì vai trò là sản phẩm đỉnh cao của thương hiệu. Nhưng cũng giống như những người tiền nhiệm của mình, các nhà thiết kế và kỹ sư của Rolls-Royce hiểu rằng sự hoàn hảo là một mục tiêu không có điểm dừng: chiếc Phantom đó vẫn chưa đạt đến giới hạn ưu việt nhất.
Vào năm 2016, Rolls-Royce đã trình làng Phantom VIII. Đây là chiếc Rolls-Royce đầu tiên được chế tạo trên nền tảng Architecture of Luxury độc quyền của thương hiệu. Đây là một khung không gian hoàn toàn bằng nhôm, được thiết kế để làm nền tảng cho mọi chiếc xe hơi động cơ được sản xuất tại Goodwood trong tương lai.
Phantom VIII được đặc biệt thiết kế để trở thành nền tảng cơ bản cho các đơn hàng Bespoke. Kết quả là một số dự án đầy tham vọng và thách thức nhất về mặt kỹ thuật mà các nhà thiết kế, kỹ sư và thợ thủ công chuyên nghiệp của thương hiệu từng được thực hiện. Đây cũng là mẫu Rolls-Royce duy nhất có không gian trưng bày the Gallery – được ngăn cách bởi một tấm kính dài, chạy dọc theo chiều rộng toàn bộ bảng táp-lô, qua đó tạo dựng một không gian, nơi khách hàng có thể trưng bày một tác phẩm nghệ thuật hoặc thiết kế theo ủy quyền.