Mượn lời Nguyễn Trung làm đề tựa, và ghi lại đây chút kỷ niệm cùng người bạn tôi quý mến. “Để nói ông nghe nè…” – bằng giọng Phan Rang hình như khi nào Đỗ Quang Em cũng bắt đầu câu chuyện như vậy.
Mùa đông năm 1995, Đỗ Quang Em từ Sài Gòn qua Los Angeles rồi đến Virginia thăm tôi, vẫn dáng điệu của những buổi sáng cà phê lề đường Đa Kao, những ngày lang thang cùng nhau Hà Nội, vẫn với chiếc mũ dạ xám, không chút hành trang, hai bàn tay trống trơn, hai bàn tay trong gió… Buổi chiều hôm ấy chúng tôi ra ngồi ngoài vườn rộng, mừng gặp lại nhau, sáng hôm sau đã cùng người bạn lái xe đưa Đỗ Quang Em trở lại phi trường Newark, gần New York.
Trên xa lộ thênh thang với rừng cây bạt ngàn xanh tươi hai bên, chúng tôi cùng nhắc lại vài câu chuyện cũ: cùng nhau đi mua cái ghế tre đan, căn nhà trong con hẻm Nguyễn Thiện Thuật một thời đã phải gỡ cánh cửa sắt đi bán. Chiếc bị mây, cây đèn dầu, cái lò đất nứt, mấy que củi khô, ánh mắt người vợ nhìn ngây dại lạc thần được vẽ sau đó. Bức tranh đó nằm trong góc tối nhiều năm, bỗng một hôm tôi lại được thấy treo trang trọng giữa phòng khách của một người sưu tập tranh tại Virginia cùng với mấy bức khác của Đỗ Quang Em.
Vẫn nồng ấm một màu nâu được chuốt thật mịn mặt phẳng tranh, vẫn ánh sáng rất quý từ khuôn mặt, nếp áo, đồ vật, nhưng trên hết là bố cục, một bố cục mới và bạo, cho thấy tinh thần bức tranh hoàn toàn hiện đại so với không khí tranh cổ điển của sáng và tối, cũng một màu nâu, đỏ đậm đặc tuyệt vời thời Phục hưng.
Đỗ Quang Em chỉ vẽ vợ, con (sau này) cũng như Andrew Wyeth chỉ vẽ cô hàng xóm Helga Testorf ở Pennsylvania, như Egon Schiele, một họa sĩ Áo tài hoa chết trẻ, đi đâu cũng kéo theo cái gương lớn, soi mình để vẽ chính mình, khốc liệt và đầy cuồng nộ, say đắm. Những chân dung tự họa ấy vẫn có một sức thu hút mãnh liệt, cũng như những tranh chân dung tự họa mịt mùng sâu thẳm của Đỗ Quang Em những năm gần đây. Con người, đồ vật cũng chỉ là cái cớ, như anh nói “… quan trọng nhất là cốt lõi của sự vật – điều kiện bên ngoài chỉ là cái cớ, cái chất xúc tác thôi.
Làm hết được cái bình thường nhất không phải là chuyện nhỏ đâu. Trong nghệ thuật không nhất thiết đòi hỏi sự cao siêu, triết lý này nọ, vấn đề là mình có đắm chìm trong sự im lặng của sáng tạo hay không…” (Thế giới tranh Đỗ Quang Em – Niềm hạnh phúc im lặng – Phạm Chu Sa, Thanh Niên Chủ nhật số 19-5-1996). Thật vậy, sự chín chắn tài hoa toát ra từ chính bức tranh, ở sự gởi gắm thầm kín của họa sĩ, mà nghĩ cho cùng cũng chỉ là sự phong thần nỗi cô độc.
Thế nên khi Đỗ Quang Em ngồi trước tấm toile trắng, cảm dần tiếng nói của tiềm thức loang ra từ tịch lặng, chút ánh sáng quý hiếm soi rọi lạ lùng kia, cho dù là cái ấm đất, những củ đậu, những chiếc ly thủy tinh, chén nước cặn, cành cây khô, những viên gạch đỏ, con chim giấy xếp – nhớ đến niềm say mê mài miệt thánh thiện trong nghệ thuật origami của Đinh Trường Giang – hay chiếc ghế tre, cây đàn tỳ bà, chiếc khăn choàng đầu của vợ, vòng ngọc xanh và chiếc áo gấm đỏ ngày cưới của con gái đầu lòng, tất cả chỉ để Đỗ Quang Em sống trọn vẹn tâm hồn mình và tình cảm sâu lắng nhất cho những người thân yêu, cho nghệ thuật…
Có thể ta bắt gặp ở đó cái không gian mênh mông màu nâu đen – “đó là một không khí thâm u của một hiện tại như được ông làm cho lùi xa vào một quá khứ xa lắc, dồn nó vào góc tối sâu thẳm của thời gian và tất cả đều trở nên sinh động nhờ một nguồn ánh sáng mà ông đặt để một cách quyền uy…” (Đỗ Quang Em – Ánh sáng và trang nghiêm – trích bài viết của Nguyễn Trung cho tập sách chưa in) để cho những đồ vật tầm thường nhất có sức mê hoặc người thưởng ngoạn qua mấy ngón tay run nhưng rất chính xác của anh, hay nói như Võ Đình: “Tôi trân trọng bởi lẽ cái thang tre, cây đèn dầu, những viên gạch được Đỗ Quang Em vẽ ra thật tỉ mỉ, thật “thật”, nhưng sự “thật” này không đánh lừa ta, không quyến rũ ta vì cái đặc dị của đề tài, cái tài tình của kỹ thuật, cái tinh vi của bút pháp. Họa phẩm thu hút ta vì một sự có mặt tự tại. Một sự có mặt mầu nhiệm. Đúng thế, có thể nói, nói mà không ngại là đại ngôn: hình thể trong tranh Đỗ Quang Em, người cũng như vật, biểu hiện sự mầu nhiệm của hiện hữu…” (Trường hợp Đỗ Quang Em – tạp chí Hợp Lưu số 28 – 1966)
Từ triển lãm của Hội Họa sĩ Trẻ năm 1973 Đỗ Quang Em được nhớ nhiều với bức Tăng vẽ Nguyễn Hữu Hiệu (lúc ấy là Thích Chơn Pháp) cho đến những năm 1980, 1990 tranh Đỗ Quang Em được đặc biệt chú ý trong các cuộc bày tranh chung cùng bạn bè (Đinh Cường – Đỗ Quang Em – Trịnh Công Sơn, tháng 1-1989, Nhà hữu nghị Tiệp Khắc, TP.HCM và Trịnh Cung – Đỗ Quang Em – Trịnh Công Sơn – Tôn Thất Văn tháng 9-1991 tại Khách sạn Nổi – TP.HCM), nhất là tại gallery Lã Vọng ở Hongkong, từ năm 1993 – 1996 đã giới thiệu tranh Đỗ Quang Em trang trọng cùng với tập sách in đẹp.
Báo New York Times số ra ngày 29-11-1994 đã đăng tin một bức tranh của Đỗ Quang Em được bán với giá rất cao, đó là bức Tôi và vợ tôi vẽ năm 1989, rất hiện thực mà cũng rất siêu thực, có chút nào không khí tranh Salvador Dali, họa sĩ mà anh ưa thích. Huỳnh Hữu Ủy thì cho rằng: “Đó là nghệ thuật của các nhà tân hiện thực, hay nói cho chính xác là cực thực, hypperréaliste, gần gũi với nhiếp ảnh nhưng hoàn toàn khác xa nhiếp ảnh, chỉ cách nhau một đường tơ nhưng là hai thế giới ngoài nhau hoàn toàn. Đối vật trong tranh Đỗ Quang Em hiện ra rất thực nhưng luôn luôn là bí mật, tạo nên một vẻ gì hư ảo vượt ra bên ngoài thực tại, dễ gây nên cảm giác về một điều gì đó rất quạnh hiu nhưng là một thứ quạnh hiu bất tử” (Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, trang 182, California 2008).
Đỗ Quang Em sinh ra trong một gia đình nổi tiếng về nhiếp ảnh tại Phan Rang. Vùng đất nơi anh lớn lên, rong chơi thời trẻ dại có bóng ma Hời, có sân ga Mường Mán… và dường như còn vương vất một hồn Chăm – tôi cứ nghĩ lan man khi xem bức tranh xưa nhất của Đỗ Quang Em trong bộ sưu tập của ông bà John T. Bennett – Marinka tại Alexandria, Virginia vẽ người phụ nữ Chăm đội chiếc hũ với áo dài xanh huyền diệu.
Đỗ Quang Em đã vượt lên cái tân – hiện – thực mà nhiều người đã nghĩ. Bởi vì tham vọng của họa sĩ là vẽ về thực tại như thực tại, nhưng thực tại cũng có thể là ảo tưởng của thực tại. “Không có gì thực hơn cái không thực” (Nothing is more real than nothing) như nhận định của Samuel Beckett về nghệ thuật. Cho nên tranh của bạn tôi – Đỗ Quang Em rất thực mà không thực. Là hư vô. Không tánh.
Virginia, 12-11-2011