Con phố đã nằm trong thân thể/ Mỗi đường xưa là một mạch máu đào/ Phố đèn xưa là cả một đêm sao… (Nguyễn Hồi Thủ)
Vài lần đi ngang cầu Kiệu, tôi tự hỏi nhà bảo sanh Hồng Phúc, nơi tôi sinh ra từng ở đâu gần chiếc cầu này? Hỏi má tôi, bà cũng không nhớ vì sinh tới tám đứa con, không nhớ hết những nhà bảo sanh ngày xưa.
Nhân chuyện đó, ba tôi bảo hồi xưa cầu Kiệu được ông già bà cả gọi là cầu Chợ Mới vì nằm gần chợ Xã Tài (nay là chợ Phú Nhuận) lúc mới xây. Ban đầu, cầu được dựng bằng cây vắp có gỗ cứng, khô rồi thì búa đẽo không được và lót bằng ván cây trai cũng rất bền. Ván xây cầu do người Pháp dỡ ra từ một cây cầu cũ trên Kinh Tàu Hũ miệt Chợ Lớn.
Đến đầu thế kỷ XX, cầu đã được thay bằng sườn sắt, lót ván và có tên là cầu Paul Blanchy theo tên đường thời đó. Do khó gọi tên, người dân vẫn dùng tên cầu Kiệu cho đến nay, vì gần đó có một xóm trồng kiệu, khoảng vị trí chợ Tân Định ngày nay.
Khi tôi còn nhỏ, tên Chợ Mới hay chợ Xã Tài không ai gọi nữa. Cái chợ cũ kỹ đã 200 năm tuổi này chỉ còn chút vết tích ngày xưa khi đứng từ ngoài nhìn vô phía đầu chợ bên phải, còn thấy một góc mái ngói cũ của những dãy nhà mái thấp, vòm tròn, cửa bán nguyệt là lối kiến trúc khi người Pháp chưa sang.
Con đường được nhớ nhất của đời người chính là đường đến trường tiểu học. Đường Võ Di Nguy, nay là đường Phan Đình Phùng, là một phần đường đến trường của tôi. Cầu Kiệu là nơi nó bắt đầu.
Cách nay hơn chục năm, tôi quen một bác trên bảy mươi tuổi, vốn là giáo viên tiểu học. Nhà bác ở gần nhà thuốc Ông Tiên, nhà bào chế và bán thuốc lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc (nay không còn vết tích) trên đoạn đường Võ Di Nguy, đối diện xéo chợ Phú Nhuận.
Bác kể khi còn nhỏ, có nghe chuyện ông chủ hãng thuốc hút Cie des Tabacs ở Sài Gòn đến mua một miếng đất trống có mồ mả gần đoạn đường đó để cất nhà. Khi cho khai quật những mồ mả trên đất của mình, ông báo Sếp bót cảnh sát Gia Định đến chứng kiến theo thủ tục. Quật xong cái mả đá, người ta thấy trong huyệt có hai quan tài còn đựng chút ít xương cốt. Cái thứ nhất, căn cứ vào những gì còn lại dường như đựng xương của một vị quan đại thần; cái kia của một người đàn bà, có lẽ là vợ của ông quan to ấy. Trong quan tài của bà có hai cái tràng ngọc để đội trên đầu, gắn nhiều hột ngọc quý và cẩn vàng rất đẹp.
Ngoài ra còn có nhiều đôi bông tai bằng vàng, nhiều thoi vàng dài. Vì những món đào được toàn là bảo vật, nên chủ nhà và ông cò đem gửi hết cho phòng lục sự tòa án, đợi đưa về bảo tàng. Bác kể thời trước năm 1945, giữa đường còn dấu vết của đường xe lửa điện (tramway) chạy từ phía bên kia cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận. Đó là khoảng năm 1935 – 1936, xe điện này chỉ có một toa duy nhất, dừng ở chợ Phú Nhuận. Nhưng chỉ sau hai năm, đường xe điện bị dẹp nhường chỗ cho xe buýt và đường ray bị gỡ bỏ sau năm 1945.
Chị Kim Dung, một cư dân lâu đời ở Phú Nhuận khi nghe nhắc về con đường này, kể là hẻm Đội Có (nay là đường Cô Giang) đâm ra đường Võ Di Nguy, ở khoảng giữa đường có cái cầu tên là cầu Cụt. Nghe người lớn kể lại là thời năm 1945, trên con rạch chảy ngang qua đó thỉnh thoảng thấy có nhiều xác chết bỏ trôi, người Tây và ta đều có. Về sau con rạch này gần như bị bồi lấp vì rác thải và nhà cửa mọc lên chen chúc. Đoạn gần cái chợ nhỏ cạnh đường Võ Di Nguy có một ông người Bắc bán phở trên xe đẩy, luôn miệng rao phở mà nghe như “Phướt! Phướt!”. Hằng đêm, ông đến bán trong xóm nhà chị, đám con nít trong xóm thèm phở mà mấy khi có dịp thưởng thức vì hầu như nhà nào cũng nghèo.
Xóm Phán Hùng trong con hẻm này bên trong có đền thờ Võ Di Nguy, nhà thờ Bắc Hải và chùa Hải Đức. Đầu xóm có nhà ca sĩ Thanh Tuyền, cách nhà quái kiệt Thanh Hoài vài căn. Nhiều học trò cách nay gần nửa thế kỷ khi ôm cặp đến trường tiểu học Võ Tánh thường đi tắt qua hẻm nhỏ bên hông rạp hát Văn Cầm, có lúc buồn tình nghía mắt nhìn qua lỗ mọt của cửa sắt khi rạp chiếu phim kiếm hiệp đánh đấm ì xèo với các tài tử Trần Tinh, Lý Tiểu Long và Trần Quan Thái, Địch Long. Một con hẻm đáng nhớ nữa là hẻm Hàng Gòn số 270. Đây là hẻm lớn, đối diện với đường Nguyễn Trọng Tuyển bây giờ. Gần đầu hẻm hồi trước năm 1975 có cái xưởng đúc nhôm Hiệp Lợi, vừa nấu nhôm vừa đúc rồi đánh bóng thành phẩm nên bụi bay đầy xóm, láng giềng rất than phiền. Dọc theo con hẻm có rất nhiều cây gòn.
Tôi đi thường xuyên trên con đường này khi bắt đầu học trường tiểu học Võ Tánh (nay là trường tiểu học Trung Nhất) năm 1968. Cạnh trường lúc đó không còn cái bót Tầm Vông mà ba má tôi nhắc đến, cũng không còn lò mổ heo thời anh tôi đi học ở đây trong thập niên 1950 đặt gần trường, khiến các thầy cô than phiền là lò sát sinh đặt ngay khu trường học. Đường vô trường với những người ngồi bán quà vặt hai bên như làm dàn chào đám học trò, họ bày ra bao nhiêu món hấp dẫn: khoai lang chiên, me ngào đặt trên miếng bánh tráng chiên, cà rem cây nhân đậu xanh, trái cóc ngâm nước đường chẻ ra hình cái bông v.v.. Trong tuần, thế nào tôi cũng ăn một lần món bánh tráng kẹo của một bà cụ tóc bạc trắng, bận áo bà ba màu nâu vá vai và tay luôn run bần bật khi dùng muỗng quết kẹo lên bánh.
Đi học về, tôi vòng sang phải cổng trường, men theo con hẻm hẹp bề ngang chưa tới một mét để ra đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) gần hơn. Đến cuối tuần mới về theo đường lớn, ghé sạp báo mua hai tờ tuần báo Thiếu Nhi do cô Bích Trà dạy lớp nhứt (lớp năm bây giờ) phát tiền, đọc ngốn ngấu tờ báo trong ngày Chủ nhật để sáng thứ Hai đặt vào tủ sách chung của lớp. Tôi lê la trên đường Võ Di Nguy trong mấy năm tiểu học, quen thuộc vài cái tên cửa tiệm như tiệm ảnh Trần Cửu, tiệm giày Mạnh Cung. Đường xá lúc ấy không mấy khi đông nên vẻ nhộn nhịp của con đường thật cuốn hút, người mua bán nhộn nhịp, sạp báo treo kín các tờ báo mới, tiệm tạp hóa bán những chồng tập hiệu Con nai, Xích lô máy luôn thơm tho, nước mía đầu ngã ba góc đường Nguyễn Minh Chiếu ngọt lịm…
Gần Tết, đường Võ Di Nguy là con đường vui nhất ở Phú Nhuận. Anh tôi thế nào cũng chở lên nhà may Tiến Phát số 220 để mua vải quần tây về may cho mấy anh em. Tiệm khá rộng, bán vải và quần áo may sẵn, trên bàn luôn để sẵn tờ báo đăng quảng cáo khá phô trương về nhà may này: “Một bước tiến rất xa trong ngành quần áo may sẵn tại Việt Nam. Trang bị những máy móc điện tử tối tân nhất Đông Nam Á”. Có lúc anh định ghé nhà may Bảo Toàn ở số 303, nhưng lại ngần ngừ, ngại mất nhiều tiền vì nhà này có tới bốn, năm tầng lầu.
Khoảng giữa tháng Chạp, người ta đã dựng sạp bán lạp xưởng, mứt các loại, bánh phồng tôm dọc hai bên đường, chạy dài lên tới chợ. Buổi tối gần Tết mát lạnh, người đi như trẩy hội giữa đèn mắc giăng giăng sáng trưng phố xá, nhất là từ hai mươi tháng Chạp trở đi. Thời trước năm 1975 ít khi kẹt xe nên không mấy ai khó chịu khi xe cộ và người chen chúc trên đường vì đó là dấu hiệu cái Tết đang đến gần.
Dì út tôi, từng là học trò và sau trở thành giáo viên trường Võ Tánh, kể là đường Võ Di Nguy thời Pháp thuộc có nhiều lò bánh mì, như lò bánh mì Vinh Thái, hoặc lò bánh mì René Robert. Khoảng gần năm 1960, dọc theo dãy phố cùng phía với Nhà làng Phú Nhuận (nay là bưu điện quận) có bán bánh mì nhét thịt chà bông gà xịt nước tương kèm đồ chua, vừa rẻ vừa ngon đối với học trò. Thời đó chưa có xe đẩy bánh mì mà hầu hết bán trong tiệm. Dì bảo, hơn hai mươi năm học và dạy ở đó, nhớ nhất lại là vị bánh mì thịt chà bông gà ăn trong buổi sáng sớm đến trường.
Còn tôi, hương vị đọng lại vẫn là những món quà vặt trước cổng trường, được bán từ những người đàn ông hay phụ nữ nghèo, ai cũng gầy gò, luôn nói chuyện nhỏ nhẹ với đám học trò vì biết con nít tiểu học nhút nhát, ai khó tính quát nạt chúng sẽ sợ và sang mua ở rất nhiều hàng quà khác cạnh tranh trước cổng trường.