Ông không chỉ nổi tiếng trong giới luật sư là người hay bàn về các vấn đề của doanh nghiệp và doanh nhân mà còn là người đã cùng nhóm chuyên viên kinh tế “ Thứ Sáu” sinh hoạt với nhau gần 20 năm nay – có những đóng góp vào công cuộc đổi mới kinh tế.
Đất nước thân yêu, nơi ông đã chọn để cống hiến cũng là nơi ông trải qua những tháng ngày nghiệt ngã, nhưng sức sống kỳ lạ và một trái tim luôn rộng mở đã mang lại cho ông sự bình thản, ung dung tự tại, và biến ông thành một “thầy thuốc” giữa đời, với những bài viết gần gụi, chia sẻ, khiến người ta quên đi những hận thù, nhớ lại và yêu thương, tin cậy chính mình và tin cậy con người.
Cuộc đời với những thăng trầm đã như những lớp sóng dồn đắng và chát, để rồi chính ông lại nhận ra từ đó một đại dương ấm áp tràn ngập tình yêu cuộc sống. Duyên dáng, chân thật, giọng nói sắc bén và khúc chiết, ông lôi cuốn không chỉ bằng một trí tuệ uyên thâm mà còn bằng khả năng “đọc” được những ưu tư phiền muộn của người khác, khả năng xoa dịu những cơn đau và giúp người ta bình yên trở lại.
____
Trong giới làm ăn thường truyền tụng nhau một giờ tư vấn của ông giá một trăm USD, vậy một ngày làm việc của ông giá bao nhiêu?
(Cười) Bí mật! Tùy từng khách hàng mà mình tính tiền theo giờ hay theo vụ. Thường thì khách hàng nước ngoài có thể tính theo giờ, vì họ đã quen với cách tính này. Còn khách hàng trong nước thì tính theo vụ để họ biết được mức tối đa phải trả. Tất nhiên cách tính nào cũng phải hợp lý, nếu không họ sẽ… mắng vào mặt mình ấy chứ. Tất cả tùy thuộc vào sự “phải chăng” mà mình phải biết, không phải có ưu thế, người ta cần mình mà “hét” giá nào cũng được.
Luật sư được biết đến không phải nhờ quảng cáo, mà do người khách trước giới thiệu cho người khách sau. Giao tiếp giữa luật sư và khách hàng là giao tiếp dựa trên niềm tin, và khả năng của luật sư được đánh giá ngay trong quá trình làm việc. Tư vấn mà làm dở khách hàng biết ngay, họ chỉ không biết điều họ đang hỏi, chứ những điều khác họ biết hơn luật sư. Người quản lý luật sư nghiêm khắc nhất chính là khách hàng chứ không phải Đoàn Luật sư hay Sở Tư pháp.
____
Sau một loạt các vụ thua kiện kinh tế khi làm ăn với nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông, làm thế nào để “xóa mù” về luật pháp quốc tế cho các doanh nghiệp? Và ngược lại doanh nghiệp có thể tin cậy vào đội ngũ luật sư của Việt Nam hiện nay?
Thực ra việc sử dụng luật sư nên được xem như “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhưng hiện nay doanh nghiệp sử dụng luật sư cũng giống như bác sĩ vậy thôi, khi nào có bệnh mới chữa. Chỉ khi làm ăn khá giả họ mới nghĩ đến việc dùng luật sư trước mỗi giao dịch để có thể lường trước mọi rủi ro và tìm biện pháp khắc phục ghi trong chính hợp đồng khi thương thảo với bên kia. Nếu sử dụng luật sư tư vấn nhiều thì các tranh chấp ở tòa án sẽ bớt đi. Vai trò của luật sư rất âm thầm, nhưng nó giúp sự phát triển của xã hội được điều hòa.
Với các vụ thua kiện đã xảy ra, cái gốc của vấn đề là doanh nghiệp thực hiện giao dịch mà chưa lường hết những bất trắc có thể xảy ra khi giao dịch. Điều này tùy thuộc vào sự hiểu biết của doanh nhân và trình độ lẫn kinh nghiệm của luật sư trong từng lĩnh vực kinh doanh.
Hiện nay xã hội nổi cộm những vấn đề về hình sự, dân sự, nhà đất nhiều hơn là kinh doanh. Ở các lĩnh vực ấy thì luật sư Việt Nam đáp ứng được, nhưng sang lĩnh vực kinh doanh sẽ khó khăn, vì nó đòi hỏi luật sư phải có những kiến thức về công ty, việc kinh doanh, quản trị, tập tục kinh doanh quốc tế, những luật để điều chỉnh các hoạt động ấy.
Luật thì có thể biết, nhưng kiến thức về tập tục kinh doanh thì không dễ chút nào, vì các trường Luật, Học viện Tư pháp không cung cấp đủ cho họ những hiểu biết ấy. Về phương pháp, trường đại học Luật của mình chỉ đào tạo cán bộ pháp lý, chứ không đào tạo luật sư. Khi hành nghề, cán bộ pháp lý nắm luật pháp trước, rồi hướng dẫn cho người ta làm đúng luật; còn luật sư thì phải nắm sự việc trước, phân tích nó, rồi mới chiếu vào luật để tìm ra giải pháp cho người ta. Để mở mang kiến thức, kinh nghiệm, luật sư phải tự học, tự làm, không ai có thể giúp được. Nếu không vươn ra với bên ngoài, sử dụng tài liệu nước ngoài, sẽ bị hụt hẫng.
Tư vấn mà làm dở khách hàng biết ngay, họ chỉ không biết điều họ đang hỏi, chứ những điều khác họ biết hơn luật sư.
____
Theo ông vì sao hệ thống luật pháp của ta xa rời và đi sau các hoạt động kinh tế?
Luật pháp của mình thường xuất phát từ những quan chức Nhà nước. Không phải là doanh nhân đã từng có thực tế, nên họ khởi đầu bằng quan niệm và triết lý trước, từ đó xây dựng nên định chế. Ít nhiều đó chỉ là những định chế trong ước mong của họ nên khi đưa vào thực tế nó sẽ không phù hợp, lại phải thay đổi.
Chỉ mới gần đây các bộ, các viện mới cộng tác với các phòng thương mại, các chuyên gia trong quá trình ban hành và tu chỉnh luật. Không thể dùng luật pháp để xây dựng một xã hội ta muốn có; mà phải ban bố luật cho một xã hội đang hoạt động và đẩy nó đi theo cái hướng mình muốn; do vậy, phải chú ý nhiều đến tâm lý của người thi hành luật chứ không phải vào ý chí, vào cái mình muốn. Người làm kinh doanh ở đâu cũng giống nhau, làm sao mua bán phải thuận tiện, không bị bực mình về những lời hứa.
Thường thường, doanh nhân giàu có trong khi làm ăn thì đi tìm sự thuận tiện, không quan tâm tới giá cả, còn người nghèo chỉ quan tâm tới giá cả và chỉ lo người ta giật của mình thôi. Hai tâm lý này không bao giờ đi chung được với nhau. Làm ăn với nước ngoài mà luật pháp không nắm cái tâm lý ấy và không chọn lựa thì mình mãi chỉ chơi được với những doanh nhân nhỏ, chứ không đủ tầm chơi với doanh nhân lớn. Tâm không rộng, trí không cao thì mình sẽ không chơi được với những người có tầm cỡ, không có được những giao dịch mang lại mối lợi lớn.
Kinh doanh cuối cùng trở thành vấn đề của những người sang chơi với nhau, tiền đã có nhiều rồi, họ chơi với nhau vì vui, vì thích. Mình chưa đạt được mức độ đó, nên cứ loay hoay ở dưới. Năm 1990 họ chưa biết mình nên đã vào rất nhiều, nhưng vào rồi mới thấy mình “phấn son lòe loẹt, chứ quê thấy mồ, lại còn đành hanh thấy bực, rất khó chơi”. Mình không chỉ để lỡ cơ hội, mà không đủ tầm vóc để chơi khi cơ hội đến.
____
Ông đã từng có loạt bài viết rất ấn tượng “Tại sao phép nước chưa nghiêm?” cách đây gần 15 năm trên báo Lao Động. Ông có thể tóm lược một vài nét chính được không?
Phép nước chưa nghiêm cũng nằm trong những lý do tôi vừa nêu. Thứ nhất, luật pháp của chúng ta lúc đầu muốn thiết lập một mô hình kinh tế – xã hội mới khác với thực tế đang có. Thí dụ một chế độ đất đai mà ở trong đó sẽ không có sự chuyển nhượng đất. Các định chế luật pháp của chúng ta trung bình cứ 10 năm đổi một lần như hiện nay là những cố gắng sửa chữa hậu quả của khởi điểm kia.
Thứ hai, công dân và tài sản của họ không gắn với nhau. Trước kia công dân không có tài sản; cho nên nền hành chính và tư pháp không có những định chế đăng ký tài sản. Chẳng hạn, có một thời chỉ có doanh nghiệp mới được mở tài khoản tại ngân hàng; thành thử sau này khi cá nhân có tài sản thì họ có nhiều chỗ giấu tìm không ra. Vì sự tách rời này nên không áp dụng được các biện pháp hành chính hay tư pháp đánh vào tài sản cá nhân để tác động lên họ.
Chúng ta không có biện pháp gián tiếp đánh vào con người mà chỉ có những biện pháp trực tiếp đánh vào chính họ; mà những biện pháp này có khi khốc liệt (bỏ tù) có khi không có hiệu nghiệm (quản chế). Điều này khiến cho các thẩm phán không dám mạnh tay áp dụng các biện pháp cưỡng chế luật cho phép.
Thứ ba, vì thẩm phán khó áp dụng biện pháp nên người dân có khuynh hướng coi thường tòa án; không tôn kính tòa án như là một cơ quan tượng trưng cho quyền uy của quốc gia. Có thẩm phán biết trong tâm lý người dân, tòa án không được coi trọng nên có khi cảm thấy cũng không cần phải cầm cân nảy mực một cách công minh sáng suốt. Các lý do trên đã trong một thời gian dài tác động lẫn nhau tạo nên một tập quán phổ biến mà bây giờ chúng ta đang phải khắc phục.
Luôn cố gắng sống tốt với những người mà mình gặp và tiếp xúc; để trong bất cứ hoàn cảnh gian nan nào thì tâm hồn mình cũng thanh thản.
____
Là người tham gia trực tiếp vào quá trình giao tiếp hội nhập, và đã dám nói một cách thẳng thắn về những sai lầm của một thời, vì sao một người trí thức từng phải trải qua 12 năm học tập cải tạo như ông lại có được những suy nghĩ như vậy ?
Khi mình nói ra với tấm lòng ngay thẳng, công bằng với chính mình, có lương tâm và trách nhiệm, thì khó khăn có, nhưng không dài, và mình sẽ được hiểu.
Năm 1975, lúc ấy tôi có thể đi, nhưng tôi đã chọn ở lại quê nhà. Chính 12 năm đó đã giúp tôi khám phá ra cuộc sống, những giá trị đạo đức căn bản. Trong môi trường ấy, tiền tài, danh vọng, sự học đều trở thành phù du; chỉ có lòng tốt, sự chân thật mới giúp mình tồn tại. Tôi hiểu rõ hơn về chế độ mình sống, so sánh nó với những cái khác và tôi tiên đoán những gì có thể xảy ra. Tôi nhìn cuộc sống với sự tò mò, thích thú, chứ không oán ghét, giận dỗi.
Tin tưởng “Sự công chính là mộc che thuẫn đỡ cho ta”, cộng với sự học hỏi không ngừng, tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng. Và trên căn bản ấy cũng chưa có ai phiền hà tôi về những điều mình đã viết, đã trả lời phỏng vấn trên báo đài quốc tế. Tôi biết tôi ở đâu, và phải làm gì để xứng đáng với nhân phẩm của mình, và là người công dân tốt.
____
Trong mười hai năm ấy và những gian khó sau này, có bao giờ ông thất vọng?
Không. Khi mình đã cố gắng làm điều tốt, thì mình không biết điều xấu, nên ít khi lo nó có thể xảy ra cho mình để mà thất vọng. Việc làm tốt tạo cho ta một niềm tin khiến lúc nào cũng thấy tương lai. Luôn cố gắng sống tốt với những người mà mình gặp và tiếp xúc; để trong bất cứ hoàn cảnh gian nan nào thì tâm hồn mình cũng thanh thản.
Mà tâm hồn có thanh thản thì trí óc mới sáng suốt, để biết lợi dụng hoàn cảnh gian nan đem lại cái lợi cho mình. Sự đày đọa sẽ trở thành may mắn. Từ những gì mình đã trải qua, tôi nghiệm ra rằng khi định làm một việc gì, ta không thể biết nó thành hay bại, vì thành hôm nay có thể là bại ngày mai; nhưng ta biết nó có tốt cho người khác không? Nếu tốt thì cứ làm. Hơn nữa, cuộc đời là một sự chấp nhận, thích nghi và giải thích.
Giải thích ấy là hạnh phúc thì đó là hạnh phúc! Ăn thua trong lòng mình là khi nghĩ lại về ai mình không bao giờ xấu hổ, bởi mình đã thành thật với họ, giúp họ tránh điều xấu, dẫu họ có đau lòng; mình làm cho họ, chứ đâu cho mình. Tôi không để lòng mình bị vướng bận bởi những điều vớ vẩn, thất bại lớn nhất trên đời là chết, mà chưa gặp thì không lo.
____
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về kinh tế, pháp luật, thị trường chứng khoán… đã được đồng nghiệp đánh giá cao, lại viết báo cho phụ nữ, với những lời tâm tình rất thấu hiểu về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Đó có phải cũng là quá trình ông khám phá bản thân mình?
Viết cũng là cách mình đóng góp với cuộc đời, vì mình đã được nhận rất nhiều từ chính cuộc đời. Khi viết tôi làm chủ được mình hơn. Tôi chỉ viết những gì tôi chú ý, có chú ý mới tạo được những tâm tình. Nhà nghèo, hết trung học tôi đã phải đi làm để báo hiếu. Tôi bị gù lưng, mặc cảm tự ti từ từ tràn vào nên không hề biết.
Tôi nghĩ mình xấu xí; nên tự nhủ không thể làm điều xấu. Tình cảm bị đụng chạm sớm và teo đi. Bù lại, để mà sống, lý trí vượt trỗi lên, khiến tôi trở thành con người của ý chí và nghị lực. Làm cho Mỹ, trình độ văn hóa của họ cao, tôi phát triển mạnh trong môi trường ấy. Vừa làm tôi vừa theo học trường luật, và lấy được học bổng ở Harvard. Ngay khi đi học tôi đã quyết phải trở về đất nước.
Tôi chủ trương cho con phải sống khổ, phải biết cái khổ, để sau này không gây khổ cho người khác.
____
Ông yêu vẻ đẹp nào của người phụ nữ? Ông đã tạo ra một bầu không khí như thế nào trong gia đình cho con cái lớn lên?
Cái đẹp của người phụ nữ thay đổi theo tâm lý của họ mà chỉ có người đàn ông mới nhận ra. Người phụ nữ phải giữ cho tâm hồn mình vui thì cái đẹp của họ sẽ hiện ra lung linh mà chính họ không biết. Người đàn ông dù tài giỏi đến đâu cũng cần đến sự hiền dịu của người vợ. Họ muốn được chăm sóc, chia sẻ, “làm nũng vợ” sau những bươn chải ngoài đời.
Đàn ông càng già càng thích làm nũng vợ (cười), và ngược lại người đàn bà càng vui khi được chiều chồng. Đó chính là hạnh phúc. Chỉ khi gia đình hạnh phúc, con cái mới được giáo dục đầy đủ, để tạo ra những công dân tốt. Vợ chồng tôi luôn đồng ý với nhau về một số giá trị cơ bản, như thế là đã bớt ghen tuông rồi. Người chồng phải làm sao bảo bọc cho vợ, sống trách nhiệm. Tôi không tìm vinh danh cho mình qua con, tôi quan tâm đến hạnh phúc của con.
Con tôi có thể làm bất cứ công việc gì nếu cháu cảm thấy hạnh phúc. Nhưng tôi chủ trương cho con phải sống khổ, phải biết cái khổ, để sau này không gây khổ cho người khác. Quá trình sống của con phải đi theo khuôn đó cho đến khi trưởng thành. Tôi chỉ mong con giữ được truyền thống gia đình, anh em thương nhau, hiếu thảo với bố mẹ, họ hàng như với một con người.
____
Điều gì đã giúp một người tự ti như ông trở thành mạnh mẽ, duyên dáng và luôn dấn thân như thế?
Tôi không hề biết rằng mình duyên dáng đấy (cười đầy tự tin), đấy là bạn bảo tôi! Tôi chỉ trải lòng một cách ngay thẳng, vui vẻ, kể cả khi nói đến những thiếu sót của mình. Cái thật mới khiến người ta nhớ. Giao tiếp cũng thế, nói thật với người khác thì trán không nhăn, mắt không có chân chim. Mình đã được những người khác giúp đỡ để có được những điều đang có, tôi không bao giờ thấy đủ và luôn tiếp tục trau dồi, đến một lúc nào đó thì sẽ bị thúc đẩy phải đóng góp.
Tôi đóng góp chân tình, xây dựng, không cay nghiệt vì biết nếu mình có làm chưa chắc đã bằng người ta. Thường khi bắt đầu tiếp xúc với ai, tôi bắt đầu bằng tâm lý “có thể thua”, từ đó định hình tính cách, không đòi hỏi, không xu nịnh, cùng lắm thì “tôi vậy đấy”. Phải sống tốt để cái tâm yên. Khi tâm hồn trải rộng thì trí óc mới sáng suốt. Đừng bao giờ đưa cái gì ra rồi đòi lại ngay, mà cứ đưa đi, chịu thiệt một tí; một ngày nào đó sẽ được đền đáp.
Đòi trả ngay, lấy lại hết là hỏng. Giao tiếp giữa người và người không phải là một đường thẳng có đi có lại tức thời, mình đưa ra theo đường thẳng, nhưng cái gì trở lại với mình phải đi theo hình bán nguyệt. Hiện nay xã hội mình chưa tốt đẹp là do người ta nhắm đến đường thẳng quá nhiều, đó không phải là giao tiếp mang tính nhân bản.
Trải qua cùng một hoàn cảnh, người ta có nhu cầu được gặp nhau, và nếu đã qua đau khổ thì đều muốn đóng góp. Vì không có ràng buộc nào nên người ta đã ràng buộc. Nhóm “Thứ Sáu” của chúng tôi sinh hoạt theo tâm tình ấy. Nhóm chúng tôi là “thiên đàng” vì hay có nhiều bữa ăn. Tất nhiên không phải chúng tôi chủ trương ăn, mà là thường cố gắng tạo ra “thiên đàng”.
Trong “thiên đàng” ấy, chúng tôi chia sẻ với nhau nỗi vui niềm lo, cái mới, chuyện xưa về đất nước, về con người và cả những cơn bực không biết trút đi đâu. Nơi đó chúng tôi đóng góp vào việc chung với lương tâm và theo đòi hỏi của lương tâm mình. Chúng tôi vẫn nói, dù biết có thể được nghe và có thể không. Vì làm việc đó không kiếm lợi nên vui vẻ làm và không mong đợi một phần thưởng.