Diều là trò chơi dân gian lâu đời của người Việt Nam. Từ thực tại, diều đã phản ánh những mơ ước, khát vọng của con người về cuộc sống.
Cùng với những cánh diều chao liệng trên không, bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của đời thường tan biến, những tiếng cười trong trẻo vang lên, tâm hồn lâng lâng bay bổng.
Trên những cánh đồng các làng quê Huế, trong những buổi trưa hè oi ả, lũ bé quê thường tụm năm tụm bảy chơi đùa. Sau khi bày trò đã chán, chúng nhìn những tờ giấy vàng mã của các cụ cúng trong các miếu thờ bay theo gió.
Thông minh và tinh nghịch, lũ trẻ lấy dây bông chuối buộc vào giấy vàng mã, gắn cho chúng hai cái đuôi ngo ngoe, rồi tung lên trời cao với bao ước mơ hồn nhiên, thơ trẻ. Diều xếp giấy xứ Huế khai sinh từ đó.
Dần dà, qua năm tháng, từ loại diều thô sơ “thủy tổ” loài diều này, qua tay những đứa bé học trò, diều cung, diều dơi, hay diều phên xuất hiện.
Với những thanh tre mỏng manh chừng vài mươi centimét buộc vào nhau để làm khung, sau đó dùng giấy màu dán vào và nối theo cái đuôi dài, những con diều đơn giản với hình ảnh những vật dụng và loài vật gần gũi với đời sống như cây cung, tấm phên, con cá, chiếc lồng đèn ú, con dơi… trong tay những đứa trẻ từ nông thôn đến thành phố, diều đã bay lên theo gió, gửi gắm những niềm vui.
Dưới thời Bảo Đại, Phủ Doãn Thừa Thiên Huế thường tổ chức các buổi thi diều trong các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán.
Họ nhà diều đã xuất hiện nhiều loại với màu sắc rực rỡ, kỹ thuật độc đáo như rồng, lân, phượng hoàng, rồi công, quạ, bướm, ó…
Những tên tuổi được biết đến thời đó, tác giả của những con diều này là các cụ Ưng Sừng, Ưng Hạng, Nguyễn Văn Bân, Phan Văn Uông, Đoàn Chước…
Là những người làm nghề thợ mã, ngoài thời gian làm việc kiếm sống, các cụ đã sáng tạo nhiều loại diều, thi tài với nhau, cùng nhau nhấp hớp rượu, ngắm nhìn cánh diều bay lên, vui thú tuổi về chiều.
Lớp con cháu các cụ sau này đã quây quần bên nhau, tiếp tục những tìm tòi mới về đề tài, kỹ thuật chế tạo, nghệ thuật trang trí và nghệ thuật biểu diễn.
Các lão nghệ nhân Nguyễn Văn Ry, Nguyễn Văn Bê, Trần Chồn, Lê Hữu Dinh, Nguyễn Văn Hường, Bửu Dung, Phan Công Thừa… không chỉ có công hình thành Hội Cầu Phong, Hội Thừa Phong, rồi CLB Diều Huế ngày nay mà còn có công đưa việc thả diều thành một nghệ thuật độc đáo, phong phú về chủng loại, hấp dẫn về tạo hình, đặc sắc với những tiết mục và chủ đề biểu diễn.
Đến nay, bộ sưu tập của CLB Diều Huế đã có hàng chục loại diều khác nhau, mỗi loại có một vẻ đẹp riêng, một kỹ thuật tạo hình và trang trí riêng và tất nhiên chi phí cũng hoàn toàn khác nhau.
Trong cấu trúc diều Huế có ba dạng chủ yếu, là cấu trúc hình mặt phẳng, hình khối và hình khối kết hợp với hình mặt phẳng.
Dạng cấu trúc hình mặt phẳng là dạng cấu trúc chủ yếu của các loại diều sơ khai (hay còn gọi là diều truyền thống), tương đối đơn giản như diều mặt trăng, diều cung, diều cá đuối (diều mực), diều tấm phên, diều ó (hay diều bầu, diều ghe…).
Cấu trúc hình khối có diều địa cầu, diều ống, diều đèn ú, diều catalogue… Cấu trúc kết hợp là dạng phức tạp nhất, đòi hòi kỹ thuật cao và óc sáng tạo phong phú để diễn đạt những chủ đề biểu diễn như diều rồng, rít, kỳ lân, diều bướm, diều phượng hoàng, diều công, quạ, đại bàng, bồ câu, diều máy bay…
Trong quá trình xây dựng cấu trúc diều, các nghệ nhân phải dựa trên hai yếu tố chủ đạo là tính vật lý và thẩm mỹ.
Mỗi loại diều mang một đặc tính riêng biệt, một thể dáng khác nhau để mô phỏng tính cách và đặc điểm của từng đồ vật và động vật: Diều đại bàng được xây dựng trong động tác đang cắp công chúa, cổ vươn tới, tạo tính cách hung dữ.
Ngược lại, các loại diều công, bướm, phượng hoàng thì hình dáng khoan thai, ung dung, hiền hòa và gợi cảm.
- Xem thêm: Mùa thả diều
Ngoài sự khéo léo trong kỹ thuật chế tác, các nghệ nhân còn am hiểu kỹ thuật trang trí màu sắc thực tế của con vật được vận dụng và nâng cao, có sự phối hợp màu sắc của các loại diều trong không trung theo các chủ đề như “lưỡng long chầu nguyệt”, “loan phụng hòa minh”, “Tấm Cám”…
Nhìn những cánh diều bay lượn trên bầu trời, ta được chiêm ngưỡng những họa phẩm biết bay, một khối đường nét và màu sắc chuyển động trong không gian, tâm hồn ta trở nên thư thái, nhẹ nhàng.
Nghệ nhân diều Huế chú trọng chủ đề và nghệ thuật biểu diễn. Họ không chỉ thả những con diều lên không trung mặc cho nó bay lượn theo gió. Họ đã truyền sự sống vào cánh diều và gửi gắm vào đó bao ước mơ khát vọng với cuộc đời.
Từ những loài chim chúa tể như phượng hoàng, công, hay tứ linh long-lân-quy-phụng để nói lên ước mơ thái bình an lạc, hạnh phúc con người, đến những truyền thuyết dân gian, những câu chuyện cổ tích kỳ thú như Tấm Cám, Phượng hoàng sinh con, Đại bàng cắp công chúa và mũi tên thần của Thạch Sanh, gà chọi, chèo bẻo đánh quạ, Sơn Tinh – Thủy Tinh…
Các nghệ nhân diều Huế không chỉ thả diều mà còn biểu diễn những vở múa rối trên không với những tích tuồng đầy chất nhân văn.
Một con phượng hoàng rực rỡ xuất hiện giữa bầu trời xanh, múa lượn oai phong, tiếp theo là từng đàn chim sẻ, bồ câu, hoàng oanh từ các hướng bay về, rộn rịp chào mừng.
Phượng hoàng mẹ vẫy vùng, bay lượn và sau đó thật bất ngờ, phượng hoàng con từ bụng mẹ xuất hiện bay cùng nhau trong tiếng nhạc phụng vũ của dàn nhạc dân tộc phát ra từ dưới sân cỏ.
Không chỉ Ngọ Môn, bãi biển Thuận An, Lăng Cô, những ruộng lúa, những bãi cỏ ven sông, diều Huế đã bay cao trên bầu trời các địa phương trong nước và các châu lục Á, Âu, Mỹ… qua các kỳ Festival diều quốc tế.
Trong cái nắng gió lồng lộng của ngày hè, dù ở đâu, những cánh diều đủ màu sắc, hình dáng đã no gió bay lên. Những cánh bay dù kỹ thuật đơn giản hay phức tạp đã làm cho bầu trời trở nên lãng mạn, đẹp mắt.
Điểm đặc biệt khiến diều Huế nổi trội hơn diều đến từ các quốc gia khác là diều Huế được làm rất công phu, mô phỏng gần giống thực tế.
Những người bạn Pháp lớn tuổi và trẻ em có cảm tình sâu đậm với diều Huế. Nhìn những cánh diều chao liệng trên không, họ thấy một Việt Nam êm đềm, thân thiết và gần gũi.
Vào dịp diễn ra Tuần lễ văn hóa Việt – Pháp, một cụ già Việt kiều nói trong xúc động: Mỗi lần nhìn diều là nhớ nhà lắm, nhớ cả tuổi thơ cơ cực và đầy ắp kỷ niệm.
Còn Đặng Quang Nam, một Việt kiều gốc Huế ở thành phố Nantes đã lái ôtô gần 500km đến Dieppe chỉ để được nhìn thấy diều Huế.
Từ vẻ đẹp dân dã, thú vui bình dị, diều đã cuốn hút bao người đến với các kỳ Festival Huế và Festival diều quốc tế. Diều lên bầu trời, diều nâng áo dài, diều ra đường phố…
Phải chăng, những cánh diều Huế đã cùng những tà áo dài của Minh Hạnh bay cao bay xa khỏi vùng trời đất nước? Nguyễn Đăng Hoàng, một cậu bé nhà nghèo chân đất, một buổi bán vé số một buổi đến trường.
- Xem thêm: Những cánh diều
Vì mê diều mà nay đã thành một trong những nghệ nhân diều trẻ đầy tài năng cùng với Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Duy Mùi…
Có lần xúc động, Đăng Hoàng nói: “Tôi thật không ngờ diều Huế lại có ý nghĩa lớn đối với người Việt và người nước ngoài đến thế. Nó giúp tôi hiểu được vai trò của một sứ giả văn hóa là những cánh diều”.