Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ – nghệ sĩ Chí Trung đang có kế hoạch tái ngộ khán giả miền Nam với những vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ, sau khi những tác phẩm này đã đến công chúng phía Bắc thời gian qua. Anh chia sẻ, đây sẽ là một phong vị mới đặc sắc dành cho khán giả tại TP. Hồ Chí Minh, vốn từng dành ưu ái cho rất nhiều đoàn kịch nghệ Bắc hà.
Với gần 20 suất diễn kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Nhà hát Tuổi Trẻ đã tạo được tiếng vang lớn trong làng kịch nghệ Hà Nội, được dư luận và báo chí ngợi khen. Đã rất lâu rồi người ta mới thấy lại cảnh đông đảo khán giả xếp hàng mua vé xem kịch. Đặc biệt, vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy từng đoạt huy chương vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 luôn có rất đông khán giả chờ mua vé. Nghệ sĩ Chí Trung cho biết: “Nghệ thuật sân khấu miền Bắc có một dòng chảy những tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ. Chúng tôi đã dựng lại những vở diễn này thuần phong cách Bắc. Và chúng tôi cũng biết rằng có rất nhiều khán giả TP. Hồ Chí Minh yêu mến lối diễn, cách thể hiện của diễn viên miền Bắc”.
Trở lại phục vụ khán giả miền Nam, nghệ sĩ Chí Trung rất tự tin về khâu chuẩn bị: “Tôi mong muốn có những vở diễn hay, những câu chuyện hấp dẫn gửi đến khán giả TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là có rất nhiều khán giả yêu mến Lưu Quang Vũ”. Trước đó, Nhà hát Tuổi Trẻ đã giới thiệu với khán giả TP. Hồ Chí Minh vở Ai là thủ phạm của Lưu Quang Vũ và nhận được phản hồi tích cực. Hai vở chính kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ và Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp (đoạt nhiều huy chương cá nhân) tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cũng sẽ xuất hiện trong lần lưu diễn này.
Tuy nhiên, những tên tuổi nổi tiếng của nhà hát như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Chí Trung… đã nhường sân khấu cho các diễn viên trẻ để trở thành những “bệ đỡ” vững chắc cho họ. Khán giả cũng yên tâm hơn khi thấy những nghệ sĩ kỳ cựu trở thành đạo diễn, cố vấn nghệ thuật trong các vở kịch của nhà hát. NSND Lê Khanh cho biết: “Tôi cảm thấy rất vui khi được chỉ dẫn cho các thế hệ diễn viên trẻ của nhà hát. Tre già măng mọc, mình tung hoành bao nhiêu năm trên sân khấu rồi, giờ phải tạo điều kiện cho các thế hệ sau”. Lê Khanh bồi hồi nhớ lại những cảm xúc trong lần hội ngộ khán giả Sài Gòn: “Lúc đầu hồi hộp lắm, không biết khán giả Sài Gòn còn giữ được ấn tượng đẹp về một Nhà hát Tuổi Trẻ trẻ trung, sáng tạo và năng động năm xưa. Liệu khán giả Sài Gòn có bất ngờ không khi gặp lại Lê Khanh trong toàn những vai diễn phụ…”.
Năm 2018 cũng là năm đánh dấu cột mốc 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ, vì thế rất nhiều chương trình không những được dàn dựng kỹ lưỡng mà còn phải đặc sắc hơn. Bên cạnh chuyến lưu diễn tháng 12 này, nhà hát đang chuẩn bị rất nhiều chương trình mới như Chào xuân 2019, Ca múa nhạc Nàng Việt, chương trình cho ngày 8-3 và 1-6… Chưa hết, tháng 7-2019, nhà hát dự kiến sẽ đưa đoàn ca múa nhạc vào TP. Hồ Chí Minh với vở diễn hoành tráng Giấc mơ nàng tiên cá dành cho thiếu nhi. Kế đến là chuyến lưu diễn tại 10 tỉnh thành miền Tây Nam bộ với một chương trình ca múa nhạc mang sắc thái miền Bắc kết hợp những tiết mục đậm phong vị miền Nam.
Nghệ sĩ Chí Trung tâm sự, anh đang lo toan sao cho đời sống của anh chị em nghệ sĩ nhà hát đỡ vất vả, cuộc sống ổn định hơn trong thời buổi sân khấu kịch gặp nhiều khó khăn hiện nay. Chưa kể áp lực phải giữ được đường hướng, khát vọng của 160 cán bộ công nhân viên dưới thương hiệu kịch Nhà hát Tuổi Trẻ càng khiến anh ưu tư. Theo anh: “Đồng tiền rất quan trọng nhưng chúng tôi không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu. Chúng ta làm nghệ thuật để có tiền, để tồn tại và phát triển nhưng chúng ta không nên xem việc kiếm tiền là mục tiêu duy nhất”.
Trong lần Nam tiến này, lịch diễn của đoàn được phân bổ như sau: Từ ngày 13 đến 15-12-2018 diễn tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1); Từ 16 đến 28-12-2018 diễn tại các nhà hát, sân khấu khác trong khu vực TP. Hồ Chí Minh.