Việc giảm giá đồng tiền Việt Nam (VND) quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và niềm tin vào VND, nhưng nếu đồng nhân dân tệ (NDT) có diễn biến tiếp tục lao dốc so với USD trên thị trường thế giới thì việc điều hành tỷ giá USD/VND trong nước cũng cần có ứng phó linh hoạt.
Hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nhưng không quá nhiều
Việc đồng NDT lao dốc mạnh so với USD thời gian vừa qua đang mang đến lo ngại hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc nếu VND không được điều chỉnh với mức giảm tương ứng. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, để xem xét hàng xuất khẩu của Việt Nam có giảm lợi thế cạnh tranh xét riêng bởi ảnh hưởng của tỷ giá hay không cần xem xét đến tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER).
Cả NEER và REER của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh (hàm ý VND lên giá) trong giai đoạn từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7. Điều này chủ yếu do VND có xu hướng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong rổ tiền tệ tham chiếu khi các đồng tiền này đều yếu đi rõ nét so với USD. Nhằm ứng phó với diễn biến tăng nhanh của REER cũng như căng thẳng của tỷ giá USD/VND trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái điều hành khá linh hoạt.
Sau khi bán ra USD nhằm bình ổn thị trường kể từ ngày 3-7-2018, vào ngày 23-7-2018, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh giá bán ra USD (thêm 223 đồng, tương đương 0,9%). Tổng mức mất giá của VND so với USD kể từ đầu năm 2018 đến nay đã hơn 2,5%. Trong khi đó, nếu so với thời điểm đáy ngắn hạn vào tháng 4-2018 thì chỉ số NEER và REER của Việt Nam đã lần lượt tăng 3,3% và 3,8%.
Sự gia tăng của NEER và REER phản ánh hàng hóa Việt Nam đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa của các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Mặc dù vậy, nếu so với cuối năm 2017 thì mức hiện tại của NEER và REER cao hơn không nhiều (lần lượt chỉ là 0,3% và 1,5%). Điều này hàm ý, Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải giảm giá VND thêm với biên độ mạnh nếu chỉ xét ở mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
VND mất giá bao nhiêu là phù hợp?
Biến động tỷ giá hiện nay đang theo chiều hướng đồng tiền của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc) mất giá mạnh, và đồng tiền ở các quốc gia Việt Nam xuất khẩu tăng giá (điển hình là Mỹ). Đây được coi là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập được hàng hóa đầu vào rẻ hơn tương đối, trong khi xuất khẩu vẫn đảm bảo được sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các quốc gia khác có cùng nhóm hàng xuất khẩu do đồng tiền nhiều quốc gia đang mất giá mạnh hơn so với VND. Do vậy, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tỷ giá vẫn cần điều chỉnh nhưng sẽ không cần ở mức quá lớn.
Ở một góc độ khác thì trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tỷ trọng chiếm tới trên 70% trong khi khu vực trong nước chỉ chiếm chưa đến 30%. Đối với nhóm doanh nghiệp FDI, do hoạt động của các doanh nghiệp này tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công nên dù các doanh nghiệp này xuất khẩu nhiều nhưng đồng thời cũng phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào. Trong chuỗi thanh toán của họ, đồng USD đóng vai trò chính nên VND tăng hay giảm giá so với USD có thể không phải là vấn đề lớn đối với nhóm doanh nghiệp này. Do đó, thực chất VND lên giá sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, trong đó trọng tâm là ảnh hưởng đến xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong sáu tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 12,7 tỉ USD với một số mặt hàng chủ lực là thủy sản (4 tỉ USD), rau quả (2 tỉ USD), cà phê (1,9 tỉ USD), gạo (1,8 tỉ USD), cao su (0,8 tỉ USD)… Đáng chú ý, trong tổng số 12,7 tỉ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản nói trên, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 27%, trong đó một số mặt hàng nổi bật là cao su (0,8 tỉ USD, tương đương tỷ trọng 63%); sắn (0,5 tỉ USD tương đương 100%); gạo (0,5 tỉ USD, tương đương 28%)… Việc đồng NDT lao dốc so với USD khoảng 8% kể từ cuối tháng 4 đến nay đã khiến cho VND lên giá khoảng trên 5% so với NDT.
- Xem thêm: Chính sách tiền tệ trông theo lạm phát
Chính điều này đang phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cũng cần lưu ý là xuất khẩu nông lâm thủy sản có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong vấn đề ổn định kinh tế xã hội do khu vực này hiện vẫn đang thâm dụng nhiều lao động. Trên cơ sở đó, việc điều hành tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian còn lại của năm 2018 sẽ tiếp tục phù hợp với diễn biến thị trường và đảm bảo các cân đối vĩ mô.
Việc giảm giá VND quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và niềm tin vào VND nhưng nếu đồng NDT có diễn biến tiếp tục lao dốc so với USD trên thị trường thế giới thì việc điều hành tỷ giá USD/VND trong nước cũng cần ứng phó linh hoạt. Cũng theo Công ty Bảo Việt, VND sẽ có mức mất giá khoảng 3% cho cả năm nay.