Tối qua đi ăn cưới về, ngang qua con hẻm nhỏ gần nhà, chợt nghe tiếng lách cách. Nhìn xuống, thì ra một đứa nhỏ cỡ tám tuổi đang đẩy một cái đèn hộp lon. Trời, lâu lắm mới thấy lại loại đèn này trong mấy ngày Trung thu. Đèn sáng lấp loáng, hộp lon quay quay chói mắt, chú nhóc cứ cầm cây tre gắn với chiếc đèn tự chế đẩy vùn vụt. Ừ, lúc này không biết nhóc kiếm đâu ra ống chỉ bằng cây để làm đèn vậy kìa? Bởi những cuộn chỉ bây giờ đều làm bằng mủ hết rồi.
Còn nhớ những năm mới giải phóng, kinh tế khó khăn, đồng lương công chức ít ỏi, mấy đứa con tôi vào ngày Tết Trung thu vẫn được ba chúng cặm cụi làm cho từng chiếc lồng đèn để đi chơi cùng tụi nhỏ trong xóm. Phải thấy hai đứa nhỏ ngồi chồm hổm chăm chú nhìn ba nó chuốt từng cọng tre, cắt từng miếng giấy kiếng hoặc giấy kẹo phất lên đèn ngôi sao, đèn trái bí mới thấy hết niềm vui con trẻ. Và ngày Tết Trung thu không chỉ đến từ những hôm sát rằm tháng Tám mà thực sự đã đến trong lòng trẻ từ những ngày trước đó rất sớm rồi.
Có năm, ba chúng cũng đổi “mốt”, tìm cuộn chỉ đã hết của bà ngoại, cái lon sữa bò, cọng dây chì cứng làm đèn hộp lon như vầy cho bọn trẻ. Hộp lon được cọng dây chì gắn vào cuộn chỉ rồi nối với một thanh tre chừng một thước, trên đáy hộp đục thêm mấy lỗ cho ánh sáng lóe ra. Đốt cây đèn cầy nhỏ trong ruột lon, cầm thanh tre đẩy đi, cuộn chỉ lăn trên đường kéo theo chiếc đèn lon cũng lăn theo, ánh sáng tỏa ra chấp chóa sáng rực cùng với tiếng lách cách, lách cách khiến bọn nhỏ mê tít, dù chiếc đèn lon sữa bò kia chẳng tốn chút tiền nào.
Khi bọn trẻ lớn lên một chút, nhà đã mua được tivi. Mỗi lần sắp đến Trung thu trên tivi lại dạy làm một kiểu đèn mới, đơn giản. Thế là mấy mẹ con xem rồi cùng làm. Có năm đèn treo đầy nhà, bọn trẻ không đi rước đèn nữa, chỉ ngồi ngắm đèn rồi chờ cúng trăng để ăn bánh thôi. Những ngày ấy, dẫu nghèo khó chúng tôi cũng không bao giờ bỏ qua niềm mong đợi háo hức của con trẻ về ngày tết nhi đồng này.
Bây giờ nhìn trẻ con thật sướng. Mới đầu tháng Tám, đèn đã treo đầy đường, những sạp bánh cao ngất bày đủ loại bánh trung thu, bánh in, bánh dẻo, bánh pía… Các bậc cha mẹ cũng tất bật hơn. Con cái càng nhỏ, càng chăm chút nâng niu. Việc quà cáp cho thầy cô, cho những chỗ ơn nghĩa cũng là “lễ tiết”, “phải phép” dù chẳng được ghi trong quy định, luật lệ nào. Dĩ nhiên đó là chuyện người lớn, còn con trẻ vô tư thì cứ tha hồ vòi vĩnh, chọn lựa trong biết bao nhiêu lồng đèn rực rỡ, đa dạng kia. Việc làm đèn lồng cho con chơi chắc ít còn thấy ở các bậc cha mẹ ngày nay. Chỉ bỏ ra vài chục ngàn đồng cũng có thể mua cho con một chiếc đèn con cá, con bướm hay ông sao bình thường chơi mấy ngày tết, việc gì phải lọ mọ mà đèn không đẹp bằng!
Mới hôm qua, nhỏ cháu ngoại mới sáu tuổi được ba mẹ chở đi chơi, về hí hửng khoe với bà chiếc lồng đèn mới mua. Lồng đèn con gà ngũ sắc, có pin, bấm nút một cái đã nghe tiếng nhạc du dương trầm bổng. Vậy là có cả màu sắc, ánh sáng, âm điệu trong một chiếc lồng đèn bé nhỏ, hiện đại. Thời đại công nghiệp có khác! Nhìn cháu lui cui cất lồng đèn vào tủ “để dành Trung thu đi rước đèn” mà nhớ đến những chiếc lồng đèn một thời xa xưa…
Những ngày này trong các trường, những anh chị học cấp 3, đã lớn, không còn chơi đèn nữa nhưng lại đóng góp rất nhiều đèn cho các em nhỏ. Có khi các anh chị tự làm đèn mang vào nhưng thường là đặt làm hoặc mua về gom lại rồi phát cho học trò nghèo ở các nơi. Những chiếc lồng đèn tình nghĩa ấy rồi sẽ tỏa về các phường xã để mọi trẻ em nghèo cũng được rước đèn dưới trăng, được hưởng một ngày tết thiếu nhi ngọt ngào, đúng nghĩa và cũng để các bậc cha mẹ khỏi tủi vì không có được đèn trung thu cho con mình.
Mấy đứa cháu nhỏ không chỉ được ba mẹ mua lồng đèn cho mà đêm Trung thu còn được đưa vào trường mẹ dạy để cùng rước đèn với các bạn nhỏ rồi được phát thêm đèn, bánh đem về. Nhìn vẻ mặt hớn hở của chúng mà chạnh nhớ đến trẻ em miền quê nghèo. Thường các cháu chỉ được tập họp tại đình làng, lãnh mỗi đứa một chiếc lồng đèn xếp, một góc bánh trung thu hay bánh in rồi tản hàng chứ ít khi được rước đèn quanh đình.
Những chiếc đèn trong tay trẻ lập lòe, nhấp nhô theo từng bước chân trở về xóm nhỏ sao mà hiu hắt buồn. Còn nhớ ở lứa tuổi này trước đây mỗi đêm Trung thu chúng tôi đều được đi rước đèn khắp phố phường như lời bài hát quen thuộc. Đó là khi học trò các trường tiểu học trong thành phố tập họp lại, được thầy cô dẫn đi qua các ngả đường lớn, tay cầm lồng đèn, mặt mày hí hửng trong khi điệu hát từ chiếc loa trên xe cất lên “Tết Trung thu rước đèn đi chơi… Bóng trăng trắng ngà có cây đa to có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”. Ở quê, tuy không rầm rộ bằng nhưng trẻ cũng cầm đèn đi hàng dọc theo xóm ấp trước khi về nhà phá cỗ cúng rằm ngoài sân.
Giờ sao những đám “Rước đèn trung thu” ngày càng biến mất, họa chăng chỉ còn tưng bừng rực rỡ trên truyền hình mấy ngày này đó thôi. Cứ mỗi tối, nhìn lên màn hình, bao nhiêu em nhỏ ăn mặc lộng lẫy, cầm đủ thứ đèn lồng rực rỡ bước theo bài hát xưa “Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”. Hóa ra, phố phường chỉ là màn hình sáng rực tưng bừng đó mà! Nghe nói một vài chỗ trên thành phố có tổ chức cho học sinh nhỏ rước đèn ngoài phố như cái thời xưa xa lắc ấy, mong lắm vậy thay!
Chiếc đèn hộp lon nhìn thấy trong con hẻm nhỏ đêm nay sao gợi nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc đến vậy! Bất chợt trong đầu, câu hát cũ lại trở về “Các em thích cười, muốn lên cung trăng cứ hỏi ông trời cho mượn cái thang…”. Ừ trăng đã lên tròn vành, sáng rực rồi kia, hãy thưởng thức đi!
– Ảnh Huỳnh Lê Tuấn