Là nhà thiết kế cho thương hiệu Marc Jacobs, cũng như Marc By Marc Jacobs, một dòng mở rộng. Với hơn 200 cửa hàng bán lẻ tại hơn 300 quốc gia. Cộng với thành tích nổi bật khi là giám đốc sáng tạo của thương hiệu xa xỉ và đình đám bậc nhất thế giới Louis Vuitton từ năm 1997. Tờ tạp chí Time đã liệt ông vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Tầm ảnh hưởng của ông với thời trang, không có tín đồ thời trang nào không biết.
Con đường sự nghiệp
Marc Jacobs được sinh ra trong một gia đình Do Thái ở New York. Khi lên bảy, cha ông qua đời, mẹ ông tái hôn ba lần. Ông đã từng kể về mẹ mình như “bệnh tâm thần” và “không thực sự chăm sóc được con mình”. Khi là một thiếu niên, ông đến sống với bà nội của mình và được bà dạy đan lát. Có thể nói đó là một trong những bước đầu ông đến với thời trang vì nhờ những chiếc áo đan len hình mặt cười học từ bà nội mà ông đoạt giải “Sinh viên thiết kế của năm” khi đi học thời trang tại Trường Parsons The New School. Nhưng trường học không phải là nơi dạy dỗ được ông trong việc thiết kế, chính việc ông xin làm việc miễn phí tại Charivari, hệ thống cửa hiệu thời trang lớn tại Mỹ đã rèn luyện ông khi mới 13 tuổi. Chỉ hai năm sau đó, ông được hãng thời trang này nhận vào làm việc, chính tại nơi đây ông đã gặp được con người góp phần rất lớn vào sự nghiệp của mình – nhà thiết kế Perry Ellis.
Marc Jacobs với chai nước hoa mang thương hiệu của mình
Marc Jacobs gặp Robert Duffy trong một bữa tiệc tối do Trường Parsons School of Design tổ chức. “Đây là tình yêu – tất nhiên là tình yêu trong kinh doanh, từ cái nhìn đầu tiên” – Robert Dufy nói với tờ New York Magazine. Tháng 4-1984, Công ty Jacobs Duffy Designs Inc. được thành lập. Robert Duffy lúc bấy giờ còn là quản lý của Reuben Thomas Inc. Ông thuê Marc Jacobs thực hiện bộ sưu tập đầu tiên dưới thương hiệu Sketchbook. Sau khi bị sa thải, Robert đã cố gắng chạy vạy để mở thương hiệu Jacobs Duffy Designs Inc. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008, Duffy cho biết rằng ông vẫn còn là người bạn tốt nhất của Jacobs.
Những mẫu túi xách đáng mơ ước của LV bởi Marc Jacobs
Năm 1986, được hỗ trợ bởi Onward Kashiyama USA, Inc, Jacobs thiết kế bộ sưu tập đầu tiên của mình mang nhãn hiệu Marc Jacobs. Năm 1987, Jacobs là nhà thiết kế trẻ tuổi nhất đã từng được trao giải thưởng cao nhất của ngành công nghiệp thời trang. Tháng 1-1988, khi mới 24 tuổi, anh trở thành nhà thiết kế trẻ tuổi nhất của Mỹ được trao giải thưởng “Tài năng Thiết kế trẻ” của Hiệp hội Thiết kế Thời trang Hoa Kỳ (The Council of Fashion Designers of America – CFDA). Marc Jacobs nhận danh hiệu “nhà thiết kế trang phục phụ nữ của năm” của CFDA. Tin vui đến cùng với việc Perry Ellis đình chỉ sản xuất bộ sưu tập do Marc Jacobs thiết kế vì không tin rằng các trang phục đó sẽ đủ sức hấp dẫn các khách hàng trung lưu của thương hiệu. Marc Jacobs và Robert Duffy bị sa thải.
Năm 1997, Jacobs được chỉ định làm Giám đốc Sáng tạo của nhà thời trang xa xỉ nhất nhì của Pháp là Louis Vuitton, nơi ông đã thành công trong việc tạo nên bộ sưu tập và phân khúc sản phẩm thời trang may sẵn của thương hiệu này.
Bộ sưu tập cực kỳ tinh khiết của Louis Vuitton mùa Xuân 2012
Với khí chất khác người và tài năng sáng tạo đã được công nhận thông qua thành quả và những thiết kế bậc thầy của ông. Marc Jacobs thực sự là một trong những người đàn ông có ảnh hưởng nhất đến nền công nghiệp thời trang thế giới. Thử hỏi có người phụ nữ nào chống lại được sức hấp dẫn từ những chiếc túi LV xa xỉ và những chiếc đầm đẹp đến mê hồn. Cả thế giới như điên lên vì thiết kế của ông, người ta cố gắng làm việc và tiêu tiền vào chiếc túi đắt đỏ đến nỗi không ai mà không biết. Jacobs là một tên tuổi nổi trội trong các trào lưu trang phục dành cho giới tài tử minh tinh của New York, và từ đó, ông cũng nghiễm nhiên trở thành một nhân vật nổi tiếng. Xuất hiện tại các cuộc trình diễn của ông là những tên tuổi khét tiếng như Kim Gordon và Vincent Gallo. Hầu hết các bộ sưu tập của ông đều dựa trên những trào lưu của lịch sử thời trang trải dài theo thời gian từ những năm 20 đến thập niên 80. Jacobs đã nói: “Những gì tôi thích là những thứ mà thậm chí có ai đó nói rằng nó quá trần tục, thì họ không thực sự cảm nhận được nó. Tò mò về sự gợi cảm, thú vị hơn nhiều so với những gì lộ liễu. Thời trang của tôi không bao giờ nóng bỏng, không bao giờ!”.