Connor Nguyễn Cường, Giám đốc Saigon Sports Academy trở thành huấn luyện viên (HLV) tennis bậc cao nhất và mở một trung tâm đào tạo quần vợt chuyên nghiệp tại Mỹ. Ở tuổi 30, anh từng là HLV chính của nhiều tay vợt đẳng cấp.
Trở về Việt Nam, anh thành lập Saigon Sports Academy và trung tâm thể thao này đã trở nên quen thuộc với cộng đồng người nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh. Gặp Nguyễn Cường không dễ vì lịch làm việc, huấn luyện của anh luôn đặc kín từ sáng sớm đến tối mịt. Có thể thấy đằng sau vẻ điềm tĩnh, từ tốn của người đàn ông này là một khát vọng lớn và niềm tin vững chắc vào những gì mình đang làm. Giữa những giờ làm việc khít khao, Nguyễn Cường đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện. Anh nói:
Năm bảy tuổi, tôi bắt đầu theo cha mình ra sân để làm quen với tennis. Đến năm 10 tuổi thì tôi thực sự mê và chơi một cách nghiêm túc. Bắt đầu đi theo chuyên nghiệp ở tuổi đó tại Mỹ là hơi muộn nhưng tôi rất say mê và quyết tâm trở thành tay vợt chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi sắp vào đại học, tôi nhận ra mình không đủ tố chất để tiếp tục con đường của một vận động viên (VĐV).
Tôi thi vào khoa Y của Đại học Kansas và giành được học bổng. Thay vì học tiếp lên bác sĩ sau khi lấy bằng cử nhân, tôi đi làm cho Công ty Shell chuyên kinh doanh dầu mỏ. Thế nhưng, tennis với tôi đã trở thành cái nghiệp. Năm 30 tuổi, tôi lấy bằng HLV bậc 1. Ở Mỹ, đây là bậc cao nhất và chỉ chiếm khoảng 5% tổng số HLV.
____
Theo đuổi tennis suốt thời thơ ấu, học ngành y nhưng rồi lại vào nghiệp kinh doanh, xem ra anh cũng thích nhiều nghề?
Gia đình tôi có truyền thống làm kinh doanh nên tôi cũng được thừa hưởng đam mê này. Tennis là tình yêu lớn nhất nên tạo ra một học viện đào tạo các tay vợt chuyên nghiệp luôn là khát vọng của tôi. Năm 2001, tôi chuyển đến Houston và cùng một người bạn mở học viện đào tạo các tay vợt nhà nghề. Trường của chúng tôi khá thành công về mặt đào tạo chuyên môn, thu hút được nhiều tay vợt chuyên nghiệp. Tôi chịu trách nhiệm huấn luyện, thường xuyên đi theo các VĐV ra nước ngoài tham dự các giải đấu.
Thời gian đó tôi là HLV chính của Vasilisa Bardina, tay vợt người Nga từng xếp hạng 48 WTA (Hiệp hội Quần vợt nhà nghề của nữ), Laura Ritchey, cây vợt từng được xếp thứ nhất trong số 30 nữ VĐV tennis hàng đầu của Mỹ… Tuy nhiên, vì phải dành hầu hết thời gian đi theo các VĐV trong các giải đấu vòng quanh thế giới, tôi đã không thể làm tốt việc điều hành doanh nghiệp. Sau gần ba năm thành lập học viện, tôi quyết định rút khỏi kinh doanh, chỉ tập trung vào huấn luyện các tay vợt quốc tế.
____
Đang có công việc yêu thích ở Mỹ mà quyết định bỏ tất cả để trở về Việt Nam, có phải vì anh thấy ở đây những cơ hội lớn?
Gia đình tôi sang Mỹ năm 1975, khi tôi mới bốn tuổi. Tôi lớn lên ở thành phố Kansas, nơi hầu như không có người Việt. Dù cha mẹ tôi cố gắng giáo dục tôi theo những giá trị Việt, nhưng thật tình tôi đã chịu ảnh hưởng của lối sống Mỹ. Cho đến khi chuyển đến Houston, nơi cộng đồng người Việt khá đông thì tôi mới bắt đầu cảm thấy mình là… người Việt.
Năm 2007, một lần đưa học trò đến Côn Minh, Trung Quốc thi đấu, tôi tranh thủ về Việt Nam một lần cho biết. Về đến quê hương, tôi rất thích cuộc sống ở đây. Cũng trong chuyến đi đó, tôi tình cờ gặp lại một người hàng xóm cũ. Anh ấy giới thiệu cho tôi công việc quản lý dự án ở Công ty Navigos Group, nơi anh đang làm việc.
____
Nhưng rồi môi trường làm việc này cũng không giữ được chân anh?
Trong thời gian làm việc tại Navigos, tôi tìm hiểu thực tế đào tạo quần vợt ở Việt Nam và bắt đầu tham gia huấn luyện. Qua những lần dạy tennis ở nhiều trường quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy trẻ em nước ngoài tại đây như sống trong một thế giới tách biệt với môi trường xã hội. Ngược lại, hầu hết thiếu nhi Việt Nam cũng không có dịp giao lưu với bạn bè nước ngoài. Tôi muốn tạo ra sự kết nối bằng cách tạo ra sân chơi để hai bên có thể gặp nhau.
Thêm nữa, tôi nhận ra nhu cầu được đào tạo, được chơi thể thao một cách bài bản, chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam là khá lớn. Ở các nước phát triển, huấn luyện thể thao và kiến thức về âm nhạc cho học sinh cũng quan trọng không kém việc truyền đạt tri thức. Thực tế là một bộ phận người nước ngoài phải hy sinh một phần các hoạt động văn thể mỹ của con em họ khi đến Việt Nam làm việc. Tháng 1/2009, tôi thành lập Saigon Sports Academy (SSA), chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo quần vợt, bóng đá, bóng rổ và bơi lội.
Ngoài những học viên theo từng lớp riêng, SSA chủ yếu dạy thể dục thể thao ở các trường quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và sắp tới đây là Hà Nội. Thuyết phục các trường quốc tế hợp tác không khó do những người quản lý hiểu và có kinh nghiệm đánh giá vai trò của thể thao đối với quá trình phát triển của trẻ em. Còn những trường Việt Nam thì việc thuyết phục có khó hơn và cũng đã có những lần không thành công.
____
Trong quá trình đào tạo, SSA đã tìm ra những mầm non có tố chất để trở thành VĐV chuyên nghiệp?
Đã có người hỏi tôi về cơ hội trở thành VĐV thể thao chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế cho trẻ em nước ngoài tại Việt Nam. Thành thực, ngay tại thời điểm này thì hầu hết các trường hợp đều đã quá trễ. Quá trình đào tạo một VĐV chuyên nghiệp quốc tế không thể gián đoạn hay chậm trễ dù chỉ là sáu tháng đến một năm.
____
Tại sao anh không nhắm đến đối tượng là các tay vợt chuyên nghiệp như anh đã làm ở Mỹ mà lại đào tạo chủ yếu là trẻ em?
Tôi cũng có tham gia huấn luyện Huỳnh Phương Đài Trang, hiện là tay vợt nữ số một Việt Nam. Ban đầu tôi muốn nhắm đến đối tượng VĐV chuyên nghiệp, nhưng số lượng tay vợt chuyên nghiệp ở Việt Nam còn quá ít và cũng đã muộn để đào tạo một số tài năng trẻ hiện nay trở thành tay vợt đẳng cấp quốc tế.
Đó là lý do tôi tập trung đào tạo một thế hệ chơi quần vợt từ sớm để năm năm sau các em có thể ở một đẳng cấp cao hơn các đàn anh bây giờ. Khoảng 20% trong tổng số 800 học viên đang theo học tại SSA là người Việt, trong đó học viên nhỏ nhất là bốn tuổi. Ước tính đến cuối năm nay, tổng số học viên sẽ vào khoảng 1.500 em, trong đó 40% là người Việt.
Tôi đang cố gắng thu hút nhiều trẻ em Việt Nam hơn mặc dù tiềm năng từ khối trẻ em các gia đình người nước ngoài sống ở Việt Nam vẫn rất lớn. Làm kinh doanh đương nhiên phải quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng mục tiêu lâu dài và khát vọng của tôi là làm cho phụ huynh Việt Nam hiểu được vai trò của thể thao trong việc hình thành tính cách, bản lĩnh của trẻ, qua đó góp phần nâng cao vị trí của thể thao trong đời sống người Việt.
____
Liệu mục tiêu mà anh đặt ra có vừa sức mình?
Nhiều người cũng nói tôi điên nhưng tôi không e ngại. Tôi muốn thử xem sức mình đến đâu.
____
Mức học phí tại SSA hiện nay là cao nhất Việt Nam, chỉ có người nước ngoài và một số ít người Việt mới có khả năng chi trả. Vậy để thực hiện ước mơ phát triển thể thao tại Việt Nam, trong tương lai anh có định đưa ra những dịch vụ có mức giá thấp hơn để có thêm nhiều người cho con em mình tham gia?
Mục tiêu của chúng tôi là tạo được chất lượng đào tạo quốc tế. Chất lượng đào tạo của chúng tôi tương xứng với giá cả, trẻ em sẽ được học, được chơi thể thao, được rèn luyện tính kỷ luật, tính đồng đội, giao tiếp bằng tiếng Anh. Lấy chất lượng làm đầu nên mức học phí của SSA sẽ không thể dành cho đại chúng, tuy nhiên chúng tôi sẽ dành những học bổng cho các em thật sự có năng khiếu và đam mê, hoặc đào tạo miễn phí cho những em có thể tham gia huấn luyện… Chưa đầy hai năm hoạt động, chúng tôi đã tổ chức năm đợt huấn luyện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc tổ chức Saigon Children Charity. SSA sẽ cố gắng tham gia hoạt động cộng đồng theo cách này.
____
Nói tiếng Việt chưa thạo, kinh nghiệm sống và quan hệ ở Việt Nam chưa nhiều… có phải là những trở ngại đối với anh khi khởi nghiệp tại một môi trường vẫn còn xa lạ?
Khó khăn ban đầu là tôi phải thích nghi với việc hầu hết người chơi tennis ở đây chỉ chơi để giải trí, giữ sức khỏe chứ không nhiều người chơi ở mức chuyên nghiệp như ở Mỹ. Khó khăn thứ hai là khởi đầu từ số vốn khiêm tốn, chúng tôi phải rất chặt chẽ trong chi tiêu. Nhưng đổi lại cũng có sự thuận lợi khác là tại Mỹ tôi chỉ có thể đào tạo một môn tennis vì chi phí khá cao, còn tại Việt Nam, tôi có thể đào tạo bốn môn: tennis, bóng đá, bóng rổ, bơi lội.
Tôi về Việt Nam với tâm trạng hoàn toàn cởi mở, không mong đợi mọi việc dễ dàng nên cũng không thất vọng khi có việc gì đó chưa suôn sẻ. Tất nhiên việc bắt đầu một loại hình dịch vụ mới trong khi tôi không biết nhiều về môi trường kinh doanh ở đây cũng mang lại không ít khó khăn, thậm chí rắc rối. Nhưng tôi luôn nhìn vào tiềm năng phát triển ở Việt Nam và tin rằng mình sẽ thành công nếu đủ đam mê, ý chí để vượt qua những thử thách ban đầu.
Tôi về Việt Nam với tâm trạng hoàn toàn cởi mở, không mong đợi mọi việc dễ dàng nên cũng không thất vọng khi có việc gì đó chưa suôn sẻ.
____
Anh có thể nói rõ hơn?
Nhìn đâu tôi cũng thấy cơ hội do nhu cầu quá lớn. Chính vì không muốn bỏ lỡ cơ hội nên SSA vài lần suýt phải đóng cửa. Doanh nghiệp phát triển quá nhanh khiến đôi khi nhân sự, quản lý, nguồn vốn không theo kịp. May mắn là tôi đã kịp điều chỉnh và rút ra bài học. Cũng có một vài quỹ đầu tư đề nghị hợp tác với SSA nhưng tôi từ chối.
Vốn cũng cần nhưng điều cần hơn là con người và cách làm việc. Khi tài chính không dư dả, mọi người buộc phải căn cơ, sáng tạo trong chi xài. Về lâu dài, khi công ty có lợi nhuận, những thành viên của SSA sẽ được hưởng trọn vẹn. Nói chung, SSA đã trải qua nhiều khó khăn ngoài dự tính trong gần hai năm ra mắt nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy bế tắc.
____
Vì anh đủ thông minh để xử lý những vấn đề rắc rối hay bởi anh là người lạc quan?
Tôi luôn tin rằng mình đi đúng đường. Thêm nữa, quần vợt dạy tôi biết phấn đấu hết mình với đam mê và không nản lòng trước thất bại. Từ năm 10 tuổi, sau mỗi giờ học tôi đều chơi bốn tiếng một ngày dù mệt mỏi hay thời tiết xấu. Suốt thời niên thiếu, khao khát trở thành tay vợt chuyên nghiệp luôn nung nấu trong tôi nhưng sau những lần bị chấn thương, bị các đối thủ vượt qua, tôi dần chấp nhận sự thật là mình không đủ tố chất để thành tay vợt chuyên nghiệp. Rồi kế hoạch mở học viện tennis tại Mỹ cũng đã không thành công như mong muốn.
Nhưng sau những khát vọng không thành, cuộc sống lại cho tôi một khát vọng khác lớn hơn. Những gì tôi đang làm ngày hôm nay tại Việt Nam là những điều tôi say mê hơn cả từ trước đến nay. Những nỗ lực trước đây dẫu chưa dẫn đến thành công nhưng không hề uổng phí. Tất cả đều góp phần tạo nên cơ duyên cho lần khởi nghiệp này. Cuộc sống thường không diễn ra theo kế hoạch, nhưng cũng mang đến cho mình nhiều cơ hội khác có khi còn lớn hơn, mà phải đủ trải nghiệm và biết mở lòng mới nhận ra điều đó.
Quần vợt dạy tôi biết phấn đấu hết mình với đam mê và không nản lòng trước thất bại.
____
Đã có khá nhiều HLV tennis quốc tế đến tham gia vào công tác huấn luyện quần vợt ở Việt Nam, theo anh nghĩ việc này mang lại lợi ích gì cho nền quần vợt nước nhà?
Phần lớn HLV chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn nên không có sự thể hiện hết mình và liên tục, trong khi việc phát triển các tay vợt luôn là một quá trình lâu dài. Đa số các HLV chỉ chỉnh sửa cho tay vợt về mặt kỹ thuật mà không nhìn ra được học trò của mình sẽ phát triển như thế nào để vạch ra kế hoạch huấn luyện trong nhiều năm.
Tuy nhiên, việc huấn luyện tennis ở Việt Nam đã có dấu hiệu tiến triển kể từ năm ngoái khi Marcel Petit và Tom Kindavong đến Việt Nam để huấn luyện, phát triển sự nghiệp thi đấu cho một số tay vợt chuyên nghiệp. Tôi cho rằng họ đã đến đúng chỗ. Hai HLV này đang làm việc chung với nhau và đều thật sự yêu thích công việc hiện nay, họ có kinh nghiệm lẫn sự bài bản để phát triển các tài năng trẻ.
Marcel Petit và Tom Kindavong đang làm việc với Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, nếu hai bên có được sự hợp tác lâu dài thì sẽ rất có lợi cho việc phát triển tennis chuyên nghiệp ở đây. Tôi cho rằng công tác huấn luyện quần vợt Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng nếu mời gọi được các HLV giỏi đến đây tham gia vào quá trình đào tạo dài hạn sẽ tốt hơn ra gửi các tay vợt ra nước ngoài huấn luyện. Đưa VĐV ra nước ngoài cũng tốt nhưng đó chỉ là việc làm trong ngắn hạn.
____
Đối với hiện tượng tay vợt trẻ Hoàng Thiên, anh đánh giá thế nào về tiềm năng và công tác huấn luyện tay vợt này?
Tôi chưa có dịp trực tiếp xem Hoàng Thiên thi đấu nhưng đã có vài lần trò chuyện với HLV của cậu ấy là Roy Coopersmith. Thiên đã chiến thắng giải dành cho nam từ 14 tuổi trở xuống tại Orange Bowl, một trong những giải quần vợt quốc tế lớn rất uy tín dành cho các tay vợt trẻ. Đây là một thành quả lớn đối với bất kỳ tay vợt trẻ nào trên thế giới, đặc biệt là với một VĐV của một nước có nền quần vợt non trẻ.
Đáng tiếc là giới quần vợt ở Việt Nam đã không đánh giá đúng về thành tích này, mọi người vẫn nhìn vào các cuộc thi hay giải đấu trong nước nhiều hơn là các giải đấu quốc tế. Nếu tay vợt của một quốc gia châu Á có nền quần vợt phát triển hơn như Trung Quốc hay Ấn Độ giành được chiến thắng đó thì sẽ được tôn vinh như người hùng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quá sớm để nói đến khả năng Thiên trở thành VĐV đẳng cấp quốc tế. Nam giới phát triển hoàn thiện về thể chất khá muộn nên rất khó đoán tiềm năng của một tay vợt cho đến khi họ được 18 đến 20 tuổi. Thiên có một bất lợi là đã chịu một số chấn thương làm em ấy bị gián đoạn vài khoảng thời gian huấn luyện quan trọng.
Các VĐV chuyên nghiệp đều phải đối mặt với những lúc bị các chấn thương làm lung lay khát vọng và làm mất thời gian tập luyện. Một trong những điều quyết định thành công là VĐV phải giữ được khát vọng lâu dài dưới một kỷ luật huấn luyện khắc nghiệt và cơ thể phải chịu nhiều áp lực phi tự nhiên trong nhiều năm. Rất nhiều tay vợt có tài nhưng không thành công đơn giản vì cơ thể họ không chịu được cường độ tập luyện quá nặng. Việc đánh giá triển vọng của Thiên còn phải chờ xem khả năng chịu đựng chấn thương của em như thế nào.
Hoàng Thiên đã chiến thắng giải dành cho nam từ 14 tuổi trở xuống tại Orange Bowl. Nếu tay vợt của một quốc gia châu Á có nền quần vợt phát triển hơn như Trung Quốc hay Ấn Độ giành được chiến thắng đó thì sẽ được tôn vinh như người hùng.
____
Anh nghĩ thế nào về vai trò của người HLV quần vợt đối với VĐV?
Vai trò của người HLV là đặt ra mục tiêu, vạch kế hoạch rồi thúc đẩy VĐV phát triển hết khả năng của họ. Nói cách khác, HLV là người vẽ bản đồ để đưa VĐV đến được điểm đến mơ ước, thế nên HLV phải đủ kinh nghiệm để nhìn thấy ngay khi VĐV đi sai hướng. Theo tôi, một HLV giỏi phải dung hòa được phương pháp huấn luyện của mình với tính cách của VĐV, cần biết khi nào và làm như thế nào để thúc đẩy tay vợt vượt qua những giới hạn họ đặt ra cho mình.
Một trong những sai lầm của nhiều HLV là luôn muốn dạy cho học trò mình tất cả mọi thứ. Cách giúp VĐV học và phát triển nhanh nhất không phải là chỉ dẫn từng li từng tí mà làm sao giúp VĐV khám phá và phát huy được các khả năng bẩm sinh của mình. Với những VĐV xuất sắc, thay vì mất nhiều thời gian khắc phục điểm yếu của học trò, HLV nên tập trung phát triển hết mức điểm mạnh và hướng dẫn học trò mình làm gì để điểm mạnh đó thường xuyên được sử dụng.
Ngoài ra, HLV cũng phải là người bảo đảm VĐV biết giữ cân bằng giữa kỷ luật tập luyện và cuộc sống ngoài sân banh vì mọi hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi đều ảnh hưởng trực tiếp đến phong độ thi đấu của một VĐV. Cuối cùng, HLV cũng là người tổ chức cha mẹ, các HLV phụ, những người ủng hộ… thành một đội luôn đứng phía sau hỗ trợ hết mình cho các tay vợt.
____
Một câu hỏi cuối: Anh cân bằng thời gian làm việc và thời gian cho gia đình như thế nào?
Tôi về Việt Nam một mình và đến giờ vẫn chỉ một mình. Tật xấu của tôi là quá ham làm việc. Ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ bảy giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ. Tôi vẫn đang chờ đợi người phụ nữ của mình (cười), hy vọng sẽ tìm được một người mạnh mẽ và thông minh để có thể góp ý, điều chỉnh được mỗi khi tôi ra quyết định sai.
____
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!