Suy thoái kinh tế và đối sách của doanh nhân

Từ Mỹ đến châu Âu, làn sóng suy thoái kinh tế chưa cho thấy hồi kết, mà còn có nguy cơ tiếp tục kéo dài. Chi tiêu quá mức của các nền kinh tế trong nhiều năm đã kéo theo sự thâm hụt tài chính, khiến nhiều tập đoàn kinh tế cũng đứng trên bờ vực phá sản. May mà chính sách kinh tế của chính quyền Obama trong các năm vừa qua đã khẳng định vai trò điều tiết tối quan trọng của Chính phủ vào thời điểm cần kíp nhất để cứu vãn tình thế của nước Mỹ.

Còn Liên minh châu Âu, trong khi chưa giải quyết xong gánh nặng Hy Lạp, thì phải đối đầu với thách thức mới từ Tây Ban Nha và Italia. Bản thân Pháp, một trong hai trụ cột chính của Liên minh châu Âu, cũng bị rơi vào khủng khoảng thâm hụt. Chỉ còn Đức – nền kinh tế mạnh nhất châu Âu nhờ có những biện pháp quản lý nghiêm ngặt mới trụ vững, nhưng đang phải gồng mình để ngăn chặn sự suy thoái của cả châu Âu.

Ảnh hưởng đến ngành công nghiệp golf

Trong sự suy thoái của nền kinh tế nước ta, ngành công nghiệp golf không thể không bịảnh hưởng trầm trọng. Tác động tiêu cực đầu tiên là các nhà đầu tư không có vốn để duy trì hoạt động, nâng cấp và hoàn tất các hạng mục đầu tư dở dang, càng không có khả năng mở rộng đầu tư mới. Hệ quả cụ thể là các dự án mở rộng sân golf hiện có và tiếp tục xây dựng các sân golf đang tiển khai sẽ bị chậm tiến độ và ngưng trệ, các dự án sân golf mới sẽ không được khởi động.

Tác động thứ hai là giảm lượng khách đến chơi golf , cả trong nước lẫn nước ngoài, trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp golf cũng như của những người lao động trực tiếp tại đó hoặc có liên quan.

Tiếp theo là tác động tiêu cực lên việc mở rộng hội viên của các câu lạc bộ golf cũng như thu hút người chơi golf mới.

Điểm quan trọng khác cần nói thêm là vì không có nguồn tài chính để tổ chức các giải nhà nghề cũng như giải phong trào, sự phát triển thể thao golf nghiệp dư và đỉnh cao tất nhiên sẽ bị chững lại, kéo theo sự tụt hậu và lộ ra khoảng cách biệt càng lớn giữa nước ta với các nước khác trong khu vực. Đó là chưa kể các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến ngành công nghiệp golf đều bịảnh hưởng.

Đối sách của các doanh nhân

Các doanh nhân là chủ hoặc là cổ đông lớn của các doanh nghiệp golf sẽ phải tập trung trí tuệ và sức lực để cải thiện tình hình kinh doanh sân golf. Họ phải tiến hành các chiến dịch khuyến mại nhằm thu hút thêm khách đến chơi golf và tăng thêm số lượng hội viên, phải cải thiện các dịch vụ để đáp ứng yêu cầu đa dạng và tăng mức hài lòng của khách hàng. Các bất động sản kèm theo sân golf tất nhiên cũng bịảnh hưởng lớn, do vậy các chiêu khuyến mãi trong phân khúc đó cũng không thể thiếu để kích cầu.

Có người hỏi rằng trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, số lượng doanh nhân đến sân golf tăng hay giảm. Có thể chỉ ra hai khuynh hướng:

– Thứ nhất, trong bối cảnh đóng băng của nền kinh tế, các doanh nhân sẽ không mạo hiểm đầu tư, mà “ngủ đông” để chờ đợi thời cơ và vì có thời gian rảnh rỗi nhiều, họ sẽ kéo nhau ra sân golf để giải trí và tiêu phí thời gian. Ở khía cạnh này, số lượng lần chơi golf của một số doanh nhân có thể tăng hơn so với trước đây.

– Ở khía cạnh khác, do phải tập trung lo thoát hiểm trong thời kỳ khó khăn, nên một tầng lớp doanh nhân sẽ phải tập trung toàn lực để cứu nguy doanh nghiệp, vì vậy họ sẽ không còn thời gian để ngó tới sân golf, nên đối với họ, tần suất thăm sân golf sẽ bị giảm mạnh.

Một điểm cần lưu ý là nguồn tài chính hạn chế sẽảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của tất cả mọi người, trong đó có doanh nhân. Vì vậy xét về tổng thể, suy thoái kinh tế làm giảm số lần chơi golf của mỗi người và làm giảm mức chi tiêu trung bình trên đầu người cho mỗi vòng golf.

Nói một cách khác, suy thoái kinh tế đang là vòng thòng lọng ngày một siết chặt hơn lên yết hầu của các doanh nghiệp.

Lối thoát

Cuộc tranh cử tổng thống Pháp vừa qua ghi nhận hai đường lối trái ngược để giải cứu nền kinh tế Pháp: chính sách thắt lưng buộc bụng của cựu Tổng thống Sarkorzy và chính sách nới và bung ra để phát triển của đương kim Tổng thống François Hollande. Ở nước ta, kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo, vì thế tiếng nói quyết định vẫn thuộc về Chính phủ.

Như đã nói ở trên, chính sách siết chặt tiền tệ do thâm hụt trầm trọng thu chi của Chính phủ vừa qua, có tác động tích cực ở phương diện loại bỏ một phần đầu tư không hiệu quả, giảm bớt chi tiêu, nhưng lại có tác hại là làm giảm sức sản xuất và kìm hãm sự phát triển. Một nước đang phát triển như Việt Nam, với quy mô kinh tế nhỏ, dễ kiểm soát thì thiết nghĩ cần chọn con đường nới và bung ra để phát triển, chứ không phải thắt lưng buộc bụng. Điều hết sức quan trọng cần kèm theo là những biện pháp cải tổ doanh nghiệp một cách cơ bản để khống chế lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Có hai khó khăn căn bản rất khó vượt qua, thứ nhất là tìm đâu ra nguồn tài chính và thứ hai đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Khó khăn thứ nhất có thể không quá khó để tìm ra lối thoát, nhưng khó khăn thứ hai đòi hỏi chính Chính phủ phải mạnh mẽ đổi mới tư duy.

TS Nguyễn Ngọc Chu

(Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam)

Exit mobile version