Rộn ràng đề tài chính trị ở Hollywood

Điện ảnh về đề tài chính trị vốn không phải xuất phát từ Hollywood, mà nó sớm xuất hiện trên diễn đàn điện ảnh của châu Âu, đem theo mình những quan điểm chính trị rất rõ ràng. Nhưng khi dòng phim chính trị này chảy vào Hollywood thì nó rất nhanh chóng được bọc lên mình lớp áo khoác mang tính thương mại. Hollywood luôn có truyền thống làm phim chính trị, với những tác phẩm mang phong cách và đề tài đa dạng rất được lòng khán giả. Tuy vậy, phim chính trị của Hollywood năm 2012 có sự đột phá, không những số lượng nhiều với gần 10 tác phẩm, hơn nữa nội dung cũng có không ít thay đổi.

Tổng thống Mỹ vô cùng bận rộn

Năm 2012 là năm bầu cử của toàn nước Mỹ, những đề tài liên quan đến tổng thống Mỹ cũng trở nên nóng hổi, và dĩ nhiên Hollywood không thể nào bỏ qua được thời điểm làm ăn béo bở này. Năm 2012, những bộ phim có liên quan đến tổng thống Mỹ khá nhiều, có Abraham Lincoln, Franklin Delano Roosevelt, dĩ nhiên không thể thiếu Barack Obama. Trong số đó có tới ba bộ phim liên quan đến vị tổng thống yêu dân Lincoln, ông vừa phải quan tâm đến những người nô lệ da đen, lo lắng cho cuộc chiến tranh Nam Bắc, còn phải đi đánh thây ma, đại chiến với ma cà rồng.

Trong ba tác phẩm thì gây chú ý nhất chính là bộ phim mang tên Lincoln do nhà làm phim danh tiếng Steven Spielberg đã ấp ủ từ lâu. Đây là một câu chuyện chính thống về tổng thống Lincoln, được cải biên từ một phần trong cuốn tiểu sửTeam of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln. Nhà làm phim tưởng nhớ về vị tổng thống vĩ đại của lịch sử Mỹ một cách truyền thống, hay cũng có thể nói hy vọng thông qua những điểm sáng của Lincoln để đi tìm xem nước Mỹ ngày nay cần một vị tổng thống như thế nào. Hai bộ phim khác về Lincoln là Abraham Lincoln: Vampire Hunter là một câu chuyện hoàn toàn viễn tưởng, với trọng tâm là hành động và châm biếm, không nặng về chính trị, còn Abraham Lincoln vs. Zombies thì là bộ phim hạng B cũng mang tính châm biếm.

Ngoài Lincoln, Hollywood còn có Roosevelt. Năm 2012 có một tác phẩm mang tên Hyde Park on Hudson kể về câu chuyện tổng thống Roosevelt, diễn ra từ trước thế chiến II. Vào thời điểm vua George VI của Anh đến viếng thăm nước Mỹ, tổng thống Roosevelt đang nảy sinh mối quan hệ ngoại tình với cô em họ. Hyde Park on Hudson chỉ là câu chuyện bên lề, mang chút bối cảnh chính trị, nhưng phần nào làm thỏa mãn được cơn khát của khán giả.

Bên cạnh đó, Zero Dark Thirty của nữ đạo diễn Oscar Kathryn Bigelow cũng là một trong những tác phẩm nổi bật của mùa lễ trao giải năm nay và có liên quan đến tổng thống Obama, dù nhân vật Obama không phải đóng vai chính, nhưng bộ phim lại nói về những thành tựu xuất sắc trong thời kỳ nhậm chức của ông.

Không còn âm mưu mà theo mô-típ chính

Những bộ phim liên quan đến chính trị từ trước đến nay của Hollywood thường kết thúc đều là hé lộ bức màn đen tối nào đó, mà đa phần đằng sau bức màn ấy là những âm mưu chính trị, nhưng năm nay, tuy có rất nhiều tác phẩm đề tài chính trị nhưng chủ đề chung của những bộ phim này đều theo một mô-típ chính, khẩu vị sáng sủa hơn, mang tính tích cực hơn. Những nhà làm phim dường như hy vọng có thể tạo ra được một nguồn năng lượng thực sự, đó là chủ nghĩa lý tưởng chính trị mà mọi người thường nói đến.

Cũng cần phải nhắc đến tác phẩm chính trị hình sự Argo của đạo diễn trẻ Ben Affleck. Đề tài của nó được lấy từ sự kiện con tin ở Iran từng gây chấn động toàn thế giới vào cuối thập niên 1970, hơn 10 nhà ngoại giao và dân thường của Mỹ bị nhốt trong sứ quán Mỹ ở Iran đến 444 ngày. Cho đến nay, có nhiều người vẫn nghĩ rằng sự kiện này phần nào đã khiến cho cuộc tái tranh cử của tổng thống Jimmy Carter thất bại. Một câu chuyện dính đến mặt không mấy tốt đẹp của chính phủ Mỹ, nhưng hóa ra lại ca ngợi cục tình báo CIA, đã vạch ra những kế hoạch tinh vi thế nào, đấu trí ra sao để giải cứu con tin. Một câu chuyện như vậy làm lan tỏa nên một nguồn sức mạnh to lớn và sự tín nhiệm đối với đất nước.

Chính trị cũng có sự hài hước

Nói chung, Hollywood là một đại công trường sản xuất các sản phẩm thương mại. Họ vừa có thể cho ra đời những bộ phim tiểu sử nhân vật chính trị nghiêm túc, đồng thời cũng có thể đem đến những bộ phim hài châm biếm chính trị hóm hỉnh. Chỉ cần khán giả yêu thích, thì không có cái gì là không được.

Nam diễn viên người Anh Sacha Baron Cohen sau Borat và Brüno, tiếp tục cho ra đời tác phẩm hài cùng thể loại The Dictator. Vẫn với phong cách châm biếm quen thuộc, khán giả có thể thấy thoáng qua bóng dáng của những nhà độc tài nổi tiếng trên thế giới hiện lên trên nhân vật nhà độc tài Aladeen. Châm biếm Trung Đông, còn chế giễu cả chính phủ Mỹ, nhưng The Dictator không quá coi trọng việc biểu đạt quan điểm chính trị, mà nặng về tính hài hước, đem đến niềm vui cho khán giả là mục đích chính.

Một tác phẩm hài châm biếm đề tài chính trị khác là The Campaign thì thái độ càng rõ ràng hơn. Đạo diễn của bộ phim này là Jay Roach có sở trường về đề tài chính trị. Trước đó ông từng cho ra đời bộ phim truyền hình điện ảnh Recount và năm nay cũng có một tác phẩm truyền hình điện ảnh nữa là Game Change đều là những bộ phim đặc sắc về đề tài chính trị. The Campaign là bộ phim châm biếm hiểu rõ về quy tắc chính trị, với hai nhân vật chính là hai ứng cử viên vì muốn đạt được mục đích không ngừng cạnh tranh ác ý, hãm hại lẫn nhau. Thực ra, bất luận là châm biếm hay chế giễu, có thể đem chính trị trở thành một thứ giải trí, thỏa mãn nhu cầu khán giả, mới là điểm khiến nhiều người ngưỡng mộ trong nền văn hóa nước Mỹ.

Dương Thanh Vân

Exit mobile version