Tại khoa Nhi (khoa Nội 3) của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo vẫn luôn cười đùa, nghịch ngợm như bao bạn bè đồng lứa khỏe mạnh khác. Không hề thấy ở các em những lời than vãn và cũng chẳng có những ánh mắt thất thần đợi chờ cái chết. Sau mỗi đợt phải vật vã với bệnh tật đến xanh xao, gầy rộc cả người và đầu không còn cọng tóc do tác động phụ của thuốc, nụ cười lại tươi tắn nở trên môi những bệnh nhân bé nhỏ ấy. Sau khi tiếp tục những trò chơi còn dang dở, các em vào lớp học chữ, mỗi tuần hai lần.
Niềm vui từ những con chữ
Như thường lệ, sau bữa cơm trưa thứ Sáu, các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nhi của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh lại chạy ra chạy vào, chờ cô giáo Kim Phấn đến dạy chữ từ 2 giờ chiều. Các em không coi học tập là bổn phận, mà là cả một niềm thích thú, thậm chí là đam mê.
Rất nhiều tình nguyện viên hăng hái tham gia lớp học chữ
Khi đi qua hai dãy chiếu trải dọc hành lang, đoàn giáo viên và tình nguyện viên của cô Kim Phấn (người sáng lập ra lớp học) đã được mọi người vui vẻ chào đón. Lớp học chữ duy nhất ở bệnh viện này là một phòng học rộng hơn 20m2, lọt thỏm cuối dãy phòng bệnh ở lầu 1. Trong lúc cô giáo và các tình nguyện làm vệ sinh phòng, phát tập, bút thì các học trò nhỏ đã nghiêm túc ngồi vào chỗ quen thuộc của mình. Vui mừng vì gặp các cô, các em tranh nhau nói: “Cô ơi, cô nhớ em không?”, “Em chưa có bút”, “Cô ơi, bạn My đang chích thuốc, không đi học được”… Lớp học vì thế mà rộn ràng hẳn lên.
Học sinh trong lớp thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 9. Mỗi tình nguyện viên chọn kèm một hoặc hai em. Học sinh của lớp thường không ổn định vì có em phải đi tiêm thuốc, có em mệt mỏi quá, không đến được, có em lại hết đợt điều trị nên được về nhà… Hôm nay, Thu Hà phải truyền thuốc ở chân, không thể đến lớp, nhưng em một mực đòi học nên mẹ em phải đến lớp xin cô ra bài để Hà tự làm trên giường bệnh. Một tình nguyện viên đã nhanh nhẹn xung phong đến phòng bệnh giúp Hà học.
Mắt đã bị mờ vì bệnh nên em phải nhìn sát tập mới thấy chữ
Trong lúc cô Phấn điểm danh, ghi tên, các cô giáo khác ra bài Toán, Tiếng Việt cho từng em. Các em nhỏ lớp 1 học rất chăm. Danh, mới bốn tuổi, nhận được hai điểm 10 vì viết chữ đẹp, sung sướng nói: “Con viết đến mai mới mỏi tay, khỏi ngủ luôn cũng được”. Cẩm Ngân thì cười chỉ chúm chím, được cô khen cũng không cười “nhe răng” vì “Em chỉ còn có một cái răng thôi!”. Khi nghe Thảo My mới qua đợt hóa trị, đang nằm trên giường bệnh, nhiều em nhỏ đã xung phong đến hát đồng ca cho bạn nghe. Buổi học nào cũng mãi rộn rã tiếng nói cười, tiếng kể chuyện râm ran.
Lớp học chữ đặc biệt của cô Kim Phấn ra đời từ năm 2009. Năm học đầu tiên, lớp học ba buổi mỗi tuần. Mỗi ngày, cô Phấn kê từng chiếc bàn trong từng phòng bệnh để các em vây quanh hoặc học ngay trên giường. Sau một năm học tạm bợ, cô và các trò được bố trí trong căn phòng rộng khoảng 20m2 tại khoa Nhi, có đầy đủ sách vở và truyện tranh. Các em được học hai môn Toán và Tiếng Việt, theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối mỗi buổi học, các em còn được sinh hoạt, vui chơi cùng các cô giáo và các tình nguyện viên.
Cô Tốt rất yêu những em lớp Một
Cô Tốt, giáo viên thường xuyên của lớp học đã hơn hai năm nay, nói vui: “Có lẽ đây là lớp học mất trật tự nhất. Có em đang học thì cha mẹ đến gọi về tiêm thuốc, có em thì được đích thân cô giáo đưa về phòng vì sốt bất ngờ, có em cuối giờ mới xuất hiện vì trước đó phải truyền dịch…”. Thương nhất là những em một tay đang được truyền hóa chất, nhưng tay kia vẫn nắn nót tập viết chữ. Có em mắt bị kéo màng, gần như không thấy được gì mà vẫn cố ghì sát vào cuốn tập để nhìn chữ. Vợ chồng chị Thuyên cùng nhiều vị phụ huynh khác đang lặng lẽ đứng nhìn con mình từ bên ngoài lớp. Chị Thuyên cho biết: “Con tôi vẫn chưa khỏe nhưng cứ đòi đi học. Được học chữ và chơi với bạn bè nên cháu dễ quên đi đau đớn hơn”.
Những “thiên thần đầu trọc” rất chăm học
Những em nhỏ thích học nhưng còn ngần ngại, không dám vào lớp thì sẽ được các cô phát tập, bút màu để tự tập viết, tập vẽ. Trên chiếc chiếu nhỏ ngoài hành lang, cậu bé tên Khải (quê ở Long An) đang cặm cụi vẽ hết siêu nhân đến ông Mặt trời cùng những đám mây… Mẹ Khải cho biết: “Cháu thích vẽ lắm. Nhờ bút màu cô giáo cho mà con tôi cứ tíu ta tíu tít suốt ngày, cha mẹ cũng vui lây”. Nhiều phụ huynh khác cũng vui mừng vì ở nơi nồng nặc mùi thuốc men rất đặc trưng này, con mình vẫn được thoải mái học hành, vui chơi.
Ở giai đoạn mới thành lập, việc dạy học rất khó khăn vì lớp có gần 30 học sinh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau mà chỉ có bốn, năm cô giáo. Đến nay, nhờ sự tham gia nhiệt tình của các tình nguyện viên (chủ yếu là sinh viên) như Siêu Nhí, Trung Nguyên, Niềng Răng Tỉ Tỉ, Mỹ Hương, Diễm Phúc, Trương Quang Cơ, Huy Hoàng, Phale Tuyết, Nghiên Trinh, Ánh Tuyết, Sao Mai…, việc dạy học và tổ chức trò chơi đã phong phú và hiệu quả hơn rất nhiều.
Không mất nụ cười dù cái chết cận kề
Sáng nay, sau khi dạy học xong, cô giáo Phấn cùng đoàn tình nguyện viên lên khu C của bệnh viện để tìm Khương Đằng. Em đang học lớp 7, ngoan và rất giỏi môn Tiếng Việt. Năm trước, dù đã mất cả hai chân nhưng em không chịu nghỉ học buổi nào. Vì thế, mỗi lần có lớp là ba mẹ Đằng lại bồng em đến học. Năm nay em tiếp tục mất đi tay trái. Các cô giáo đến thăm lúc em vừa ra khỏi phòng mổ. Trông người em gọn lỏn trong chiếc chăn trắng, chỉ còn cánh tay phải đang được cô y tá đo huyết áp. Thấy cô giáo, Khương Đằng vẫn nở nụ cười và hẹn với cô: “Vài bữa em lại đi học, cô nhé!”. Cả đoàn cười với em mà chẳng ai nói nên lời. Rời khỏi khoa C, cô Phấn nói: “Lúc nào nụ cười của Khương Đằng cũng trong veo và đáng yêu như vậy, cứ như em chưa từng biết đến đau đớn, bệnh tật”.
Khương Đằng vẫn cười rất tươi dù đã mất đi cả hai chân và tay trái
Dường như những đứa trẻ ở khoa Nhi đều có nụ cười hồn nhiên như Khương Đằng cho dù bị bệnh tật hoành hành và cái chết nhiều lúc đã cận kề. “Nhìn xem, những đứa trẻ trọc đầu này đáng yêu quá đúng không?” – cô Kim Phấn vừa nói, vừa mở cho chúng tôi xem những hình ảnh bệnh nhi mà cô đã lưu lại trên máy tính cá nhân. Giọng cô bỗng bùi ngùi: “Rất nhiều em đã ra đi, nhưng nụ cười thì chưa bao giờ tắt”.
“Siêu nhân Mỹ” với đôi mắt sưng to vẫn luôn vui cười
Cô cho chúng tôi xem kỹ hơn hình ảnh một đứa trẻ bụ bẫm với đôi mắt sưng to, thâm tím, không mở lên được, vậy mà vẫn hiển hiện ở đó một nụ cười rất tươi. Em đang cố dùng một tay kéo mi dưới xuống để nhìn. Cô Phấn nói: “Đây là em Mỹ, mới mất vào ngày mùng 2 tết Âm lịch vừa rồi”. Em được các cô đặt tên là “Siêu Quậy”, còn em tự xưng là “Siêu nhân Mỹ”. Các cô còn nhớ, Mỹ không đọc được từ “le”, cứ đánh vần là “lờ…e” mãi. Mắt không nhìn thấy nhưng em cứ đòi làm duyên để cô giáo chụp hình. Ai hỏi em có khỏe không, còn đau không, em trả lời ngay: “Ổn rồi cô!” khiến mọi người không thể không bật cười.
Bố mẹ Mỹ kể rằng em vẫn nghịch ngợm và cười đùa ngay những giờ phút cuối cuộc đời. Buổi học đầu tiên vào ngày mùng 3 Tết Âm lịch, hôm đó những đứa trẻ cùng phòng với Mỹ tranh nhau kể cho cô Phấn nghe, nào “Cô ơi, Mỹ về luôn rồi”, “Cô ơi, con thấy Mỹ đi xe cấp cứu mà không thấy trở lại”, “Không phải, Mỹ chết rồi”… Với các cô giáo và tình nguyện viên, một suy nghĩ thường trực là không được để lộ ra nỗi buồn để các em không cảm thấy sự đe dọa của cái chết.
Vừa truyền dịch vừa đến lớp
Nhiều người khi đến với những đứa trẻ bị bệnh ung bướu đã nhận ra được ý nghĩa và mục đích sống của mình. Bạn Phúc Thịnh, sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Nhóm chúng tôi mới chỉ tham gia tại đây trong hai buổi học nhưng chúng tôi đã hiểu được rằng mình thật sự may mắn khi sống khỏe mạnh, bình an và việc đến với các em gần như là trách nhiệm của những người lành lặn”. Còn tình nguyện viên Vân Anh đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Có những em còn quá nhỏ để hiểu về căn bệnh của mình, các em lớn hơn thì cũng biết về nó, nhưng các em đã không nói nhiều về vết thương và sự đau đớn. Tôi nhìn thấy ở các em những nụ cười hồn nhiên, niềm lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và một ý chí mạnh mẽ vượt lên số phận. Các em dạy tôi phải biết quý trọng bản thân, mạnh mẽ đối diện và bước qua những thất bại, khó khăn. Trước khi gặp các em, tôi gần như chỉ biết yêu chính bản thân mà quên đi những người luôn yêu thương mình, chỉ biết khóc lóc, than thân trách phận và muốn bỏ cuộc trước những va vấp trong cuộc sống. Chính các em là người đã cầm tay kéo tôi đứng lên…”.
Cảm ơn lắm những vòng tay
Cô giáo Phấn cho biết rằng từ những thông tin đăng trên trang cá nhân của cô và những bài viết đăng trên các báo Tuổi Trẻ, Công An, Sài Gòn Tiếp Thị, Tiếp thị và Gia đình…, nhiều mạnh thường quân đã đến thăm và trao nhiều quà tặng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, trong số đó có các doanh nghiệp như Đất Xanh, FPT Hồ Chí Minh, Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC), Lửa Việt, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Minh Hằng, Phương Thanh, á hậu Hoàng Yến… Cuối tháng 6-2012, khoa Nhi cũng được đoàn những người nổi tiếng, gồm hoa hậu Mai Phương Thúy, người mẫu Trang Trần, diễn viên Trương Ngọc Ánh… ghé thăm và tặng quà. Những người đẹp ấy ăn mặc rất giản dị, ân cần hỏi han, an ủi những em bé bị ung bướu. Mẹ của em Đức, nằm ở trước phòng số 6, cho biết: “Tuy nổi tiếng nhưng các cô Mai Phương Thúy và Trương Ngọc Ánh rất gần gũi. Các cô ấy đã khóc rất nhiều khi bồng mấy đứa nhỏ trên tay”. Để động viên tinh thần một cô bé bị ung thư xương, người mẫu Trang Trần còn tháo cả đôi hoa tai của mình để tặng em.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến thăm và tặng quà cho các em bị ung bướu
Khá nhiều mạnh thường quân chỉ lặng lẽ giúp đỡ các bệnh nhi ung thư tại khoa Nhi. Chị Trang, họa sĩ, nhà ở Thủ Đức, thường không trao tiền trực tiếp cho các em nhỏ bệnh nặng như Mỹ Siêu nhân, Khương Đằng…, mà nhờ cô Kim Phấn trao hộ. Chị Lành, người có con đã điều trị ung thư máu ở khoa Nhi gần ba năm qua, cho biết: “Vợ chồng tôi đã nhiều lần được người tốt giúp đỡ, có khi đến hai triệu đồng, nhưng khi hỏi tên để cảm ơn thì họ không cho biết. Có lẽ họ không muốn những người không may mắn như chúng tôi phải chịu mang ơn”. Cô Phấn cũng thường xuyên nhận tiền bạc, quà cáp từ cộng đồng trong nước và những người Việt ở nước ngoài để trao lại cho gia đình những bệnh nhân khó khăn.
Tiền bạc luôn cần thiết cho gia đình các bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, khi có số tiền lớn trong tay, không ít người nghèo tiêu dùng phung phí, không để dành chữa bệnh cho con vì nghĩ sẽ còn… được hỗ trợ nữa! Kinh nghiệm của anh Minh Phú, giám đốc một công ty xây dựng ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh thì mạnh thường quân nên đóng góp cho lớp học chữ để mua sách vở, thực phẩm hoặc đóng góp vào Quỹ Sổ vàng của bệnh viện để góp phần trang trải viện phí cho các em.
Giáng sinh ấm áp ở khoa Nhi
Theo thông tin của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 3-2012, tất cả các bệnh nhi từ sơ sinh đến 17 tuổi đang điều trị tại bệnh viện (không phân biệt có bảo hiểm y tế hay không) đều được Quỹ Sổ vàng chi trả 100% các khoản tiền thuốc, các chi phí phẫu trị, xạ trị, xét nghiệm và cả tiền xe về quê khi xuất viện. Cha mẹ chỉ cần trình tất cả hóa đơn đã thanh toán sau mỗi đợt điều trị cho cán bộ điều dưỡng phụ trách phòng để được xem xét, hoàn trả lại tiền. Ngoài những ưu đãi nêu trên, các em còn thường xuyên được hưởng những bữa ăn ngon do các mạnh thường quân mang đến.
Các em được phát bánh kẹo sau mỗi buổi học
Nằm điều trị ngay trước cửa lớp học chữ là Thanh Thanh, bốn tuổi, quê ở Kiên Giang. Em mới phát bệnh ung thư cách đây bảy tháng và đã qua hai lần hóa trị. Chị Hường, mẹ em tâm sự: “Sau khi làm hồ sơ chứng nhận gia đình khó khăn, mọi chi phí điều trị cho cháu đều được bệnh viện chi trả. Vợ chồng tôi mừng lắm vì người nghèo chúng tôi rất khó có được đủ tiền để chi trả viện phí cho con”.
Chị Linh, quê ở cà Mau, có con đang điều trị tại phòng số 4, cho biết: “Tết vừa rồi, hai vợ chồng tôi phải ở lại với con ở bệnh viện, không được về nhà ăn tết. Không ngờ đón tết ở bệnh viện với các cô giáo lớp học chữ thật vui”.
Dàn hợp ca đang biểu diễn cho cả lớp xem
Buổi tất niên chuẩn bị mừng năm mới được cô giáo và các học trò chuẩn bị rất chu đáo. Nhóm đã kỳ công trang trí, làm cho cả khoa Nhi tràn ngập không khí tết với sắc hoa mai, hoa đào và những chiếc lồng đèn lớn. Hai mâm cỗ với thịt kho, chả giò, bánh tét, bánh kem, dưa hấu… khá hoành tráng. Những bệnh nhi nói chung ăn ít, nhưng hò reo thì nhiều, chẳng nhớ mình đang bị bệnh nặng. Hai tình nguyện viên Việt kiều từ nước ngoài trở về còn hóa trang thành ông Táo, bà Táo để tạo niềm vui cho đám trẻ. Tham dự buổi tiệc, các phụ huynh đã cảm động đến rơi nước mắt, còn các tình nguyện viên cứ ôm chặt các em nhỏ, không muốn xa rời.
Sự đóng góp lặng lẽ của các mạnh thường quân không chỉ giúp duy trì lớp học chữ và niềm vui của các “thiên thần không tóc” qua ngày tháng, mà còn là niềm động viên các bậc cha mẹ, nhờ đó mà nỗi lo lắng, đau khổ vì bệnh tật của con ở họ phần nào cũng được nguôi ngoai… Quý báu thay những tấm lòng từ thiện như vậy!
Xuân Lộc