Cuối tuần qua, lễ bốc thăm chia bảng vòng chung kết (VCK) Euro 2016 đã diễn ra tại Paris. VCK Euro là ngày hội của bóng đá, bởi tầm mức của Euro đã ngang với World Cup, quy tụ gần như toàn bộ các đội mạnh nhất thế giới. Người ta đã nói rằng World Cup chẳng qua chỉ là Euro cộng với Brazil và Argentina. Ba VCK World Cup gần nhất, chức vô địch đều thuộc về một đội bóng châu Âu đã nói lên đẳng cấp của Lục địa già.
Thường thì lễ bốc thăm chia bảng trước giải đấu lớn rất được quan tâm, bởi nếu có được kết quả bốc thăm có lợi, gặp đối thủ dễ chơi vẫn tốt hơn là lọt vào một bảng đấu gồm toàn những đối thủ mạnh, để rồi có nguy cơ không vượt qua được vòng bảng. Thế nhưng, lần này, với một VCK lần đầu tiên có đến 24 đội, gấp bốn lần số đội tham dự những VCK đầu tiên (từ 1960 đến 1976), gấp ba lần số đội tham dự những VCK tiếp theo (từ 1980 đến 1992), thì các đội mạnh chẳng cần lo ngại nữa. Euro 2016 đã “nâng tầm” thành 24 đội, biến ý tưởng của Chủ tịch UEFA Michel Platini thành sự thực, bất chấp những chỉ trích và lo ngại về chất lượng của giải đấu bị suy giảm. Lưu ý rằng chỉ có 53 đội tuyển tham dự vòng loại, trong đó có những “tiểu quốc bóng đá” (trình độ kém cả Việt Nam) như Andorra, Luxembourg, Gibraltar, San Marino, Malta…, đồng nghĩa với việc tỷ lệ một đội tuyển châu Âu bất kỳ được lọt vào VCK gần như là 1:1. Vậy nên những đội như Bắc Ireland, Albania, xứ Wales, Iceland, Slovakia mới lần đầu tiên được dự một VCK.
Không chỉ thế, các đội cũng có nhiều “cửa” để vượt qua vòng đấu bảng (diễn ra từ 10-6 đến 22-6-2016) hơn trước khi không chỉ hai đội xếp nhất – nhì mỗi bảng mà còn có bốn đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất (trong số sáu đội xếp thứ ba ở sáu bảng) được lọt vào vòng 1/8 (thi đấu vào các ngày 25, 26 và 27-6). Có nghĩa là chỉ có tám đội bị loại sau vòng bảng! Sau đó sẽ là vòng tứ kết (đá vào các ngày 30-6, 1-7, 2-7 và 3-7), bán kết (6 và 7-7), chung kết (10-7) trên sân State de France (Paris). Euro 2016 sẽ gồm 51 trận, nhiều hơn 20 trận so với các VCK có 16 đội.

Sau khi có kết quả bốc thăm, nhìn chung đội nào cũng có thể hài lòng. Một bảng đấu tử thần (quy tụ những đội rất mạnh) kiểu như bảng B của VCK Euro gần nhất (2012) là không thể xảy ra. Bảng B của VCK Euro 2012 khi ấy gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Bồ Đào Nha, tạo ra những trận đấu vòng bảng cực kỳ hấp dẫn. Còn tại Euro 2016, bảng đấu được xem là khó nhất – bảng E gồm có Italy, Bỉ, Thụy Điển và Ireland thì chỉ Italy là “tên tuổi”, Bỉ là ngôi sao đang lên, còn thành tích của Thụy Điển và Ireland là con số không tròn trĩnh. Tương tự là bảng D với Tây Ban Nha, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia. Có lẽ những người cho rằng hai bảng này “khó nhằn” là vì các đội trong bảng đều từng ít nhất góp mặt một lần tại các VCK trước.