Phần Lan nằm trong khu vực Bắc Âu. Hiện nay, Phần Lan là một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới. Về nguyên tắc, giáo dục Phần Lan dành cho tất cả mọi người, nên không thu học phí.
Giáo dục được đánh giá cao ở Phần Lan và đặt tiêu chuẩn cao cho giáo dục là một trong những nền tảng của chiến lược quốc gia được xây dựng trên cơ sở lòng mong muốn phát triển đất nước thành một xã hội thông tin.
Trường đại học và polytechnics
Hệ thống giáo dục đại học ở Phần Lan bao gồm hai khối song song với nhau: các trường đại học và các trường polytechnics. Các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu và giáo dục nâng cao có liên quan đến nghiên cứu. Các trường này cấp bằng học vị cử nhân, thạc sĩ cũng như các chứng chỉ sau đại học và bằng tiến sĩ. Các trường polytechnics dạy những môn xuất phát từ nhu cầu đào tạo nghề và chuyên môn. Trường này cấp bằng liên quan nhiều đến thực tế làm việc trong đời.
Có 20 trường đại học ở Phần Lan: mười trường đa ngành, ba trường kỹ thuật, ba trường kinh tế – quản trị kinh doanh và bốn trường nghệ thuật. Ngoài ra, Trường cao đẳng Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng cũng là trường cấp đại học. Tổng số sinh viên đại học hiện nay là vào khoảng 170.000 người.
Các trường đại học đại diện cho truyền thống giáo dục lâu đời của Phần Lan: đầu tiên là Học viện Hoàng gia Turku được thành lập năm 1640. Hoạt động của các trường này được dựa trên cơ sở là quyền được học và tự do cá nhân. Mỗi trường thiết lập những nội quy riêng của mình chi phối chương trình giảng dạy và bằng cấp, và tự đặt chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Mục đích của các trường đại học là thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục văn hóa, khoa học và cung cấp giáo dục cao hơn dựa trên các công trình nghiên cứu và kiến thức chuyên sâu. Yêu cầu đối với các trường là phải tổ chức hoạt động sao cho đạt được tiêu chuẩn quốc tế cao trong nghiên cứu, giáo dục và giảng dạy, trong khi vẫn phải tuân theo những nguyên tắc đạo đức và hoạt động khoa học chuẩn mực.
Các trường đại học tự chọn sinh viên của mình qua các cuộc thi tuyển. Các khối lớn nhất là công nghệ, nghệ thuật và nhân văn, khoa học tự nhiên. Thông thường mất ba năm để có bằng cử nhân (180 học phần) và khoảng hai năm nữa để có bằng thạc sĩ (120 đến 150 học phần). Các trường đại học Phần Lan sử dụng hệ thống ECTS (hệ thống chuyển giao học phần của châu Âu), tiêu chuẩn chung mà các nước trong Liên minh châu Âu và các nước có liên quan đều sử dụng.
Có 29 trường polytechnics ở Phần Lan. Nét đặc biệt của các trường này sự liên quan chặt chẽ với đời sống thực tế và mục tiêu của chúng là cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau: công nghệ và vận tải, kinh doanh và quản trị, y tế và dịch vụ xã hội, văn hóa, du lịch, phục vụ hậu cần và quản lý, tài nguyên thiên nhiên, nhân văn và giáo dục. Hệ thống trường polytechnics còn khá mới ở Phần Lan, mới chỉ được bắt đầu vào những năm 1990.
Điều kiện để vào trường polytechnics là học sinh phải qua được kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học hay đã hoàn thành một khóa học nghề bước đầu. Trường polytechnics khác với các trường đại học ở chỗ chúng không phải là sở hữu của chính phủ, mà là của các thành phố hay các tổ chức tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đóng góp 57% trong chi phí hoạt động cơ bản. Bằng cấp mang tính chuyên ngành và thời gian học mất khoảng từ 3,5 đến 4 năm (210 đến 240 học phần). Ngoài phần học lý thuyết ra, bằng của trường polytechnics còn yêu cầu đào tạo thực hành ở cơ sở và một dự án tốt nghiệp.
Sinh viên quốc tế
Phần Lan cung cấp những cơ hội giáo dục đại học tuyệt vời trong mọi ngành học. Nói chung, sinh viên tham gia các khóa học lấy bằng chính quy của các trường đại học hay polytechnics không phải trả tiền học. Phần Lan cũng được xem là nước dễ hòa nhập nếu bạn sử dụng tiếng Anh. Các trường đại học và polytechnics ở Phần Lan có tới gần 400 chương trình học quốc tế trong nhiều ngành bằng tiếng Anh. Sinh viên cũng được hưởng nhiều hoạt động giải trí phong phú do các hội sinh viên Phần Lan và các tổ chức sinh viên khác đứng ra tổ chức, chăm lo việc hướng dẫn và mở khóa học đặc biệt cho sinh viên nước ngoài. Tất cả các chương trình đều dựa trên hệ thống chuyển giao học phần (ECTS) giữa các nước châu Âu, giúp tăng cường tính minh bạch quốc tế và việc chấp nhận bằng cấp của Phần Lan trên toàn cầu.
Khoảng trên 10.000 sinh viên nước ngoài từ hơn 40 quốc gia tham gia các khóa học lấy bằng ở Phần Lan và khoảng 4.500 trong số đó học ở các trường đại học. Ngoài ra, khoảng 7.700 sinh viên khác đến Phần Lan hằng năm theo các chương trình trao đổi hoặc theo cách độc lập.
Trong trang web Discover Finland của CIMO, The Centre for International Mobility (tạm dịch là Trung tâm Chuyển dịch Quốc tế) bạn sẽ tìm thấy thông tin cơ bản về hệ thống giáo dục và nhiều hơn về giáo dục đại học ở Phần Lan. CIMO cũng đã lập danh sách các chương trình trao đổi sinh viên và gần như toàn bộ các chương trình được dạy bằng tiếng Anh ở các trường đại học và polytechnics Phần Lan. Trang web của các trường này cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng và các vấn đề cụ thể liên quan đến học tập ở đất nước phía bắc địa cầu này.
Điều kiện học tập
Sinh viên nước ngoài muốn học tập và đào tạo ở Phần Lan sẽ có được một môi trường học tập an toàn để phát triển tri thức và chuyên môn, cũng như phát triển nhân cách qua quá trình sống trong một nền văn hóa ở một nước ngoài.
1. Để vào đại học Phần Lan phải trải qua một kỳ thi tuyển sinh với yêu cầu
Đại học:
Tốt nghiệp THPT, đang học lớp 12 và sinh viên
Trình độ tiếng Anh IELTS 6.0 hoặc Toefl IBT 80
Sinh viên phải tham dự kỳ thi đầu vào sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, kỳ thi tháng 4 cho đợt nhập học tháng 9 và thi vào tháng 10 cho đợt nhập học tháng 1
Sinh viên sẽ được chọn bốn nguyện vọng khi đủ điều kiện đăng ký dự thi
Thạc sĩ:
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan loại khá, giỏi
Trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 hoặc Toefl IBT 90
2. Hạn nộp hồ sơ:
Trước tháng 1 và tháng 9 hằng năm
3. Hồ sơ cần nộp:
Đại học:
Học bạ THPT
Bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời
Chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL
Copy hộ chiếu hoặc CMND
Thạc sĩ:
Bảng điểm đại học
Bằng tốt nghiệp đại học
Chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL
GMAT (nếu có)
Thư bày tỏ nguyện vọng và kế hoạch học tập
Hai thư giới thiệu
Kinh nghiệm làm việc (nếu có)
4. Học phí: Hoàn toàn miễn học phí
5. Chi phí sinh hoạt: Tổng chi phí
350-450 EUR/tháng
Nhà ở: 150-200 EUR/tháng
Tiền ăn, dụng cụ học tập, sách vở:
150-200 EUR/tháng
Chi phí cá nhân, đi lại: 50 EUR/ tháng
6. Việc làm:
Sinh viên được phép làm thêm 20 giờ/tuần. Lương làm thêm từ 8-15 EUR/giờ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được phép ở lại một năm để làm việc.
Hành trang lên đường
Sau khi đã nhận được kết quả và thư mời nhập học của trường, các bạn sẽ bước đến giai đoạn tiếp theo trong chặng đường du học Phần Lan xa xôi: xin visa, mua vé máy bay và chuẩn bị nhà ở.
1. Thủ tục làm visa
Để học tập tại Phần Lan trong thời gian hơn ba tháng, bạn phải xin giấy phép cư trú trước khi tới Phần Lan. Cần có các tài liệu và thông tin sau đây:
1. Đơn xin giấy phép cư trú đã điền đầy đủ (mẫu OLE 1) và một bản phụ lục nói rõ về chương trình học của bạn (mẫu OLE 4). Đề nghị nói rõ thời gian học tập dự kiến tại Phần Lan.
2. Hai ảnh, cỡ ảnh hộ chiếu.
3. Hộ chiếu còn giá trị hay giấy phép thông hành còn giá trị.
4. Bản gốc thư chấp nhận bạn vào học.
5. Văn bản chứng minh sự thu xếp chỗ ở cho bạn ở Phần Lan.
6. Văn bản chứng minh bạn có đủ tiền sống/học ở Phần Lan. Số tiền yêu cầu là 6.000 euro một năm hay 500 euro một tháng. Bằng chứng này có thể là một thư bảo đảm từ ngân hàng của bạn. Lưu ý rằng bằng chứng về học bổng sẽ được trừ đi từ khoản tiền trên. Nếu toàn bộ chi phí được trả qua một tổ chức nào đó, thì phải cộng thêm 120 USD mỗi tháng.
7. Văn bản chứng minh nếu bạn có bất kỳ học bổng nào.
2. Bảo hiểm du học
Bảo hiểm bắt buộc phải có trong hồ sơ xin visa.
3. Vé máy bay
Vé máy bay về Việt Nam thường dao động trong khoàng 800 EUR – 1.200 EUR tùy từng đợt, từng hãng.
Vé một chiều sang Helsinki cũng khoảng từ 400-600 USD (không phải EUR).
4. Nhà ở
Ngay sau khi bạn nhận được thư nhập học của trường, bạn nên lập tức tìm nhà ở nếu không sẽ gặp rủi ro không nhà vào ngày sang Phần Lan vì lượng đăng ký nhà ở vào mùa thu rất đông. Vậy việc này các bạn phải làm càng nhanh càng tốt.
Mộc An tổng hợp theo Edulink